Mở đầu
Luận Phật Thừa Tông Yếu là tùy thuận theo thời cơ lược nói về tông bản và cương yếu của Phật pháp. Thế nên bộ luận này cũng có tên là Khái Luận Về Phật Pháp Hiện Đại.
Đứng trên chiều hướng Phật pháp mà nói, xưa nay vốn không có sự cách biệt giữa ba thời gian. Như vậy cái tên hiện đại đó, cũng không thể lập ngôn. Thế thì nói ra không bằng im lặng. Nhưng vì trào lưu tư tưởng của người đời mỗi mỗi đều nương thời đại mà có sự đổi dời. Thời gian gần đây, khoa học phát triển, người ta dùng các môn như: Triết học, Động vật học, Thể dục học...để suy lường Phật pháp, hoặc có một số người phán đoán Phật pháp một cách hời hợt phiến diện. Vì thế chủ đích của luận giả cũng căn cứ trên tư trào này của người đời mà nói. Nếu tùy thuận theo Chân như mà bàn thì, tuy nói mà không có thể nói, đấy mới thực là nói hết vậy.
Phần mở đầu này là nói khái quát thay lời tựa, cũng nêu lên nghĩa chánh của toàn luận. Quyển luận này gồm bốn chương.
CHƯƠNG I: HỆ THỐNG QUAN PHẬT PHÁP #
Hệ thống quan, chúng ta đối với Phật pháp nên suy cùng cái nguyên ủy của nó, rõ được chí thú của nó, biện biệt được thể dụng của nó, mới quan niệm được toàn hệ thống của nó. Không nên để trong tâm mình còn mơ hồ đối với hai chữ Phật pháp. Vấn đề này lại chia ra làm năm tiết nhỏ.
TIẾT I: Nhàm lìa thế gian, hay vượt ra ngoài thế gian. #
Trong Phật pháp hệ trọng hai danh từ yểm thế và xuất thế, là lời phê phán phổ thông của người đời. Như Thiên Diễn Luận của kẻ Tây Nho là Hách Tư Lê Thị, đại để cho Phật pháp là yểm thế. Lại như đương thời, tác phẩm Đại Cương Triết Học Sử Trung Quốc của Hồ Thích, thì đại để cho Phật pháp là xuất thế. Khiến cho người đời mang hai cố chấp này ra hỏi: Phật pháp chủ trương yểm thế chăng? Hay Phật pháp chủ trương xuất thế?
Đây là câu hỏi hết sức phức tạp, khó có thể có một giải đáp nào thỏa đáng, bởi vì người đặt câu hỏi chưa nắm vững tiền đề.
Danh từ yểm thế nên nói đủ là yểm ly thế gian, còn danh từ xuất thế là siêu xuất thế gian hay vượt trên sự đối đãi thông thường của người đời. Nói như thế, ý nghĩa mới đầy đủ rõ ràng. Nhưng, nói thế gian, trước cần phải giải thích nghĩa của nó, có hai phần.
1. Danh nghĩa thế gian. #
Trước trình bày hai chữ thế gian: Thế, là đổi dời vô thường, là hư ngụy không thực, cũng có nghĩa là đối phó, chế phục, là phá trừ, đoạn diệt. Người bị rơi trong những thế pháp này, gọi là thế gian.
Thế nào gọi là vô thường không thực khả phục, khả đoạn?
Đáp: Tất cả sự vật trong đời này, nhơn thời gian, không gian biến thiên lưu chuyển, chính là nghĩa vô thường vậy. Tất cả sự vật đem giải phẫu đến từng mảnh nhỏ bằng hạt bụi để tìm cái thực thể đơn thuần của nó, trọn không thể được, đó là nghĩa không thực vậy. Vì vô thường nên có thể chế phục, vì không thực nên có thể đoạn diệt. Thế thì, nói là tất cả pháp thế gian đó chỉ là cái giả tưởng từ trong tâm thức chúng ta hiện ra mà thôi. Phần này lại chia làm hai.
a. Tướng liên tục, như người cầm một cây lửa quay thành vòng lửa liên tục không dứt, kẻ nhìn vào không thấy một cây lửa mà thấy đây là vòng lửa, rồi cho đó là vòng lửa thực, ấy là nghĩa liên tục.
b. Tướng hòa hợp, như người cầm một vật có hình chất (vật thể) đem phân tích, thì đến chỗ quá nhỏ gần với hư không, trọn không còn một tổ hợp nào, ấy là bản chất của cá thể (đơn vị).
Thời xưa, các nhà vật chất học lấy phân tử làm đơn vị vật chất (tức bản chất) cho là đúng vậy. Nhưng chưa bao lâu người ta lại biết phân tử thực chẳng phải cái nhỏ nhất không thể phân tích, bèn phát kiến được nguyên tử, tức là cái nguyên tử ở trong phân tử. Tiến một bước nữa, lại biết nguyên tử đó cũng không phải thực chất nó nhỏ không có gì ở trong, rồi tưởng tượng mà giả định rằng, trong nguyên tử còn có cái thực thể, không dùng tên, chỉ gọi đó là điện tử thôi. Xét về điện tử là tên vật không mùi không tiếng. Nhưng các nhà vật chất học còn chưa dám quyết đoán rằng: "Điện tử, xác định là thực thể nhỏ nhất không còn vật gì ở trong, không thể phân tích, là cái nguyên nhân sanh khởi vũ trụ vạn hữu. Học về Duy vật đến đây là cùng vậy".
Phàm vật có tên đều là cái tướng do sự hòa hợp mà có, đây là thuyết hòa hợp. Các sự vật trong đời, đều không ngoài hai nghĩa này. Biết đây rồi thì, nhận thấu được nghĩa vô thường, không thực, khả thực, khả đoạn. Nhưng trong Phật pháp tự có cái chân thường (chẳng phải đổi dời vô thường) chơn thực (chẳng phải hư ngụy không thực) tự tại (không thể đối phó chế phục) tự tánh (chẳng thể phá trừ hoại diệt) đó vậy.
2. Phạm vi của thế gian. #
Vì thế giới vô biên, nên hữu tình (chúng sanh) cũng vô biên, vì hữu tình vô tận nên thế giới cũng vô tận, không trước sau, không trong ngoài. Bởi do gốc bản không nên bình đẳng bình đẳng, vì tùy tâm hiện nên như huyễn như huyễn, thật không phạm vi có thể nói được.
Thế nào gọi là bản không?
Đáp: Tất cả các sự vật trong đời, trên phương diện vật chất, tìm cái chung cuộc của nó, rốt ráo không thể có được.
Sao gọi là tùy tâm hiện?
Đáp: Một đóm lửa mà xoay thành vòng lửa, thật không có cái thể của vòng lửa, nhưng có hình cái vòng là tùy tâm mình hiện ra.
Hỏi: Đóm lửa mà thành vòng lửa lý ưng là lửa hiện, sao nói rằng bản không nên không có hiện?
Đáp: Đây tuy mượn lửa làm dụ, đâu biết lửa đã không thực có, nếu tâm người không có sai khác thì lửa cũng dối có, huống là có cái vòng? Nói bản không nên không có hiện thì, lại lấy cảnh trong mộng mà trưng bày. Người đang trong mộng, chỉ biết có cảnh trong mộng mà không biết có cảnh khi tỉnh giấc. Nhưng, vũ trụ vạn hữu ởù trong giấc mộng thấy có, trọn vẹn có, chính lúc tỉnh không thể thấy, không thể có mà trong mộng không gì chẳng có. Đang trong giấc mộng các cảnh giới không một vật không thực. Mộng càng sâu thì tình chấp đó càng nặng, thực cảnh kia càng rõ. Thực cảnh này là do tùy tâm hiện, ở trong lúc mộng. Thế gian (vũ trụ vạn hữu) là thực cảnh tùy tâm hiện trong lúc tỉnh vậy.
Nói tóm lại, nó chỉ là tướng liên tục và tướng hòa hợp mà thôi. Chỉ có người nào bừng tỉnh (đại giác) rồi mới biết mình đang trong giấc mộng lớn. Chúng sanh không biết chấp cho là thực, như thế chẳng mê muội lắm ru!
Nghĩa của thế gian như đây, mà tâm chúng sanh như kia. Chẳng lẽ nay tôi đem cảnh như huyễn như huyễn mà trình bày một cách rõ ràng ư? Thế là khiến người nghe chấp trước càng sâu, cho nên nói, thật không phạm vi có thể nói được. Nhưng đã vì nói, thì đâu được không nói? Chính cái nói đây cũng chỉ vì nhằm tâm chúng sanh, đáp ứng theo chỗ trí lượng mà chỉ bày cho họ hiểu. Riêng có hai thứ như sau:
a. Thế giới chúng sanh quan phổ biến.
Thế giới vô biên, chúng sanh vô tận. Nay vả đem thế giới Ta bà của Phật Thích Ca hóa độ, lược trình bày một biểu đồ dưới đây. (Ta bà dịch là kham năng nhẫn khổ hay nhẫn được cái khổ. Thế giới Ta bà là thế giới ứng hóa của Phật Thích Ca Mâu Ni, nên nói cõi nước do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hóa độ, quả địa cầu chúng ta đang ở đây, nó chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong ấy).
Hữu tình thế gian, do hoặc nghiệp từ vô thủy bất giác sanh ra, nó làm căn y cho nhơn duyên sinh diệt. Đây chỉ đem danh tướng của chín cõi (cửu địa) và năm loài (ngũ thú) trình bày rõ như trong kinh tạng nói.
Khí thế gian là chỗ nương ở sinh hoạt của loài hữu tình. Một thái dương hệ là một tiểu thế giới, gom một ngàn tiểu thế giới lại là một thế giới tiểu thiên, che trùm cõi Định sanh hỷ lạc. Gom một ngàn thế giới tiểu thiên là một thế giới trung thiên, che trùm cõi Ly hỷ diệu lạc. Gom một ngàn thế giới trung thiên là một thế giới đại thiên, che trùm cõi Xả niệm thanh tịnh. Tiểu thế giới trong mỗi đại kiếp trải qua một lần thành, trụ, hoại, không. Hoại do nạn lửa. Lửa hoại bảy lần, kế do nạn nước hoại đến cõi Ly sanh hỷ lạc. Nước hoại bảy lần, kế do nạn gió hoại đến cõi Ly hỷ diệu lạc. Riêng cõi Xả niệm thanh tịnh không hư hoại. Gom thế giới tam thiên đại thiên này làm thế giới Ta bà. Trở lại nhìn quả địa cầu chúng ta hiện cư ngụ đây, khác nào một hạt lúa trong cái kho to ư !
Sự thành, trụ, hoại, không của thế giới khác nào sự sanh, trưởng, già, chết của loài người. Thế giới từ lúc mới thành lập cho đến lúc trống không gọi là một kiếp, còn chúng ta từ khi sanh ra cho đến lúc nhắm mắt dứt hơi thở gọi là một đời. Lấy một đời mà so với một kiếp, thời gian đó chẳng là ngắn lắm ư ?
b. Nhân sinh, vũ trụ quan gần đây.
Lấy nhân sinh làm bản vị để quán sát tất cả, nên gọi là nhân sinh vũ trụ quan gần đây xem biểu đồ dưới đây.
Theo bảng biểu, từ nhân loại trở xuống bốn hạng, thuộc hữu tình thế gian. Các thực vật trở xuống năm hạng là khí thế gian. Khí thế gian thuộc về các sự vật, sở y của hữu vi nhân sinh tư dụng, sở y của hữu vi thân căn, sở y của hữu vi quan niệm, hoặc một hoặc cả ba, xin phân biệt nơi biểu đồ thì rõ. Đây lại dùng biểu đồ này mà suy ngược về trước để giải thích cho tiện lợi vậy.
Như tinh hệ và tinh hải với người không có sự quan hệ lớn lao, chỉ vì quan sát trắc nghiệm đến được, nên thuộc về quan niệm y mà không thuộc hai thứ tư dụng và thân căn. Sức nóng của ánh sáng mặt trời là sở y của thân căn quan niệm. Đến như đại địa và các khoáng vật, nước lửa gió điện trở lên đều là chỗ sở y của tư dụng, thân căn, quan niệm. Trong đây hữu tình thế gian, các hạng... cũng thông với tư dụng y. Chợt xem, thì dường như khó hiểu, bởi nghi nơi bảng biểu đã lấy nhân sinh làm bản vị, thì tư dụng sở y đó hẳn là ở ngoài nhân sinh. Bởi không biết nghĩa hỗ trợ của nhân loại tức là cái sở y của nhơn sinh tư dụng. Vua, tôi, cha, con, chồng, vợ, anh em bằng hữu, nhỏ là một gia đình, lớn là một xã hội, quốc gia chủng tộc, đâu chẳng đều như thế. Nhân loại là tiếng gọi chung nên nhân loại cũng là khí thế gian của mỗi người.
Tự thân của mỗi người là cái tư dụng sở y của mỗi người, lý này cũng dễ nhận. Như nhà khoa học nói, thân người như một bộ máy bốn chi, trăm thể mỗi mỗi có tác dụng tương đương như: Bộ hô hấp, bộ tiêu hóa, bộ bài tiết. Như thế mỗi món không món nào mà không có nghĩa như cơ giới, tức tư dụng y. Nên biết, tự thân của mỗi người, đó là khí thế gian của mỗi người, tự thân của ta tức là khí thế gian của ta vậy.
Trang Tử nói: Chỉ ra trăm thể của con ngựa không được gọi nó là con ngựa.
Thế thì, chỉ trăm thể của thân ta đây cũng không được gọi nó là ta, như vậy quả thật cái ta ở chỗ nào ư ? Đến như thân của mỗi người khác, là tư dụng sở y đó, như lấy tài lực trí của người làm dụng. Nếu là thân của loài động vật thì hoặc nhờ sức mạnh của nó, hoặc ăn thịt nó, lấy da làm mền. Cho nên bốn loại trên tùy thuộc hữu tình thế gian, mà đều có thể là sở y tư dụng của nhân sinh. Đến như sở y của thân căn, quan niệm kia, cũng do hằng ngày chúng ta thấy quen, không bỏ phí việc nào. Do đó bốn loại này cũng thông nơi khí thế gian.
3. Xuất thế cùng yểm thế. #
Những điều trình bày trên là ý nghĩa thế gian đã được nói rõ trong phạm vi của nó. Giờ đây, chúng ta lại thảo luận thêm về ý nghĩa yểm ly thế gian cùng siêu xuất thế gian.
Nói yểm ly thế gian, là chán mà lìa, tức chán hữu tình thế gian này ư ? Hay cõi khí thế gian?
Giận đời, ghét tục, xa lìa chốn đông người, thích những nơi núi sâu đầm vắng, ưa chỗ hẻo lánh, những kẻ này người đời bảo là theo chủ nghĩa yểm thế. Kia chán hữu tình thế gian mà lìa xa, như trên đã nói, thật trong Phật pháp không có việc ấy. Bởi Phật pháp nói: Ngay trong hữu tình thế gian có vô lượng vô biên chúng sanh, nương từ bi của chư Phật, thệ nguyện cứu độ tất cả làm cho được lợi lạc, tuy ở trong cõi ác mà không từ việc ứng thân thị hiện, để hóa đạo, thì đâu được chán mà lìa ! Như nói yểm ly, là cuộc trong cõi khí thế gian như mộng huyễn ô trược, chướng ngại, thúc phược này ư ? Thế thì, người học Phật phần tu chứng sơ bộ có thể có nghĩa đó, tức bảo Phật pháp thuộc "yểm thế" cũng có thể được.
Kế lại nói về siêu xuất thế gian. Nói siêu xuất đó là siêu xuất khí thế gian ư ? Hay siêu xuất hữu tình thế gian?
Tôi nghe Viên Thân Hạc Quật luyện thuốc linh đơn, tập bay nhảy, mong ban ngày bay tận mây xanh, chính là điều người đời cho là xuất thế, ý họ muốn vượt ra khỏi địa cầu chỗ mọi người chung ở, lên ở trên cõi trời, hoặc tìm những vì tinh tú khác. Các siêu xuất đó, chính lại là khí thế gian, trong Phật pháp cũng không có việc ấy. Bởi cõi khí thế gian như huyễn không thực như đã thuật ở trên, giả sử chúng sanh hoặc nghiệp đều dứt hết, thì núi sông đất đai đây thảy đều không còn, có cái gì siêu xuất đáng nói!
Cho nên, cái siêu xuất trong Phật pháp nói là dứt sạch phiền não, lìa hẳn vọng nghiệp, bỏ tuyệt chướng ngại, thoát được sự sanh tử, lấy siêu xuất hữu tình thế gian mê vọng này làm cơ sở để hóa độ chúng sanh.
Cho nên, lấy hữu tình thế gian mà luận, thì cũng chưa từng chẳng nói Phật pháp thuộc "xuất thế" đó vậy.
TIẾT 2: Tùy thuận thế gian - Cứu hộ thế gian. #
Câu này cũng quan hệ với lời bình phán Phật pháp của người đời, chẳng giống như tiết thứ nhất đã nói, mà còn cạn cợt, sơ sài hơn. Nói tùy thuận cứu hộ là tiêu biểu Phật pháp cùng với loài người gần nhau, từ bi nguyện hộ, chưa từng xa lìa thế gian, bởi vì chỉ nhìn đến cái đạo dụng của Đại thừa, cái thấy này riêng còn thuộc một bên, chưa thấy được hoàn toàn hệ thống Phật pháp, nên đến tiết thứ ba sẽ nói rõ hơn.
TIẾT 3: Do siêu xuất thế gian mà cứu hộ thế gian. #
Tiết này nói thấy lý so sánh sâu nhiệm, vì sự trình bày đến đây cũng sắp viên mãn. Bởi siêu xuất thế gian là chẳng tự mắc kẹt ở trong thế pháp, sau đó khả dĩ nói rằng cứu hộ thế gian, lý đã cố nhiên như thế. Ví như, có người cùng chết đuối dưới biển như mọi người, người đó dù có tâm cứu người, thì hẳn trước chân phải đạp đến đất hoặc là thân phải ở trên thuyền, rồi sau đó mới có thể nói việc cứu người được. Do vượt ra ngoài đời mà cứu đời, nghĩa đó cũng như nhau.
Tuy nhiên, siêu xuất thế gian là mục đích của người Tiểu thừa, tự cho đó là viên mãn, còn cứu hộ thế gian là phương tiện cứu cánh của hàng Đại thừa Bồ tát vậy. Điểm này sẽ nói rõ ở phần sau.
TIẾT 4: Trạch diệt đời ác để sáng tạo cõi đời mỹ thiện. #
Cõi đời ác liệt, tức khí thế gian cùng hữu tình thế gian. Cõi đời mỹ (thanh tịnh) thiện (an lạc). Lược giải bằng đồ biểu dưới đây.
Tịnh độ phàm thánh đồng ở chung, tức chỉ thế giới Ta bà này vốn là chỗ ở chung của chín loài hữu tình, mà các thánh cũng ứng thân hóa đạo nơi đó, nên gọi là đồng ở chung. Nhưng thánh với phàm cảnh giới không đồng, sự thọ dụng cũng không đồng. Chín loài hữu tình cũng tùy tâm hiện, theo nghiệp mà chịu báo mỗi mỗi không đồng. Như loài người thấy nước là nước mà có các thứ chướng ngại, loài cá thì không vậy. Cá ở trong nước như loài người sống trong không khí. Ngoài ra, loài có cánh thì bay, loài có chân thì chạy, thân thì duyên, tối thì ẩn, đâu chẳng do theo nghiệp mà thọ báo. Lý này không có gì khó hiểu.
Tịnh độ phương tiện hữu dư là chỗ ở của Nhị thừa A La Hán và Bích Chi Phật, mà có hàng Bồ tát cùng Phật ứng hóa trong đó, khiến họ bỏ Tiểu thừa, hướng về Đại thừa, A La Hán tức Thinh văn, Bích Chi Phật tức Duyên giác. Tịnh độ này chẳng phải cõi mà hạng người phàm phu trong sáu đường có thể đến được.
Tịnh độ Thật báo trang nghiêm, cõi này do Bồ tát phước huệ song tu trang nghiêm mà thành. Chư Phật thì ứng hóa thân nơi đó để dẫn dắt các Bồ tát này mau lên ngôi Đẳng giác, nên Tịnh độ này lại cũng không phải là nơi mà Nhị thừa có thể đến.
Bản biểu đã nêu, Tịnh độ phàm thánh đồng ở chung, có thể gọi là thế gian, ngoài ra đều là Pháp giới thanh tịnh vượt ngoài ba cõi, không thể đem luận chung cùng thế gian được. Nhưng nay vì muốn tùy thuận người đời mà nói, nên gọi là chánh giác thế gian. Đến chứng quả Phật là Tịnh độ Thường Tịch Quang, tức thân này là Tịnh độ không có cái ngại của tình và khí nữa. Chỗ này cũng không thể nói chung cùng thế gian một lượt, nên khỏi phải nêu ra.
Nghĩa ác liệt và thiện mỹ như đã vừa trình bày trên, còn trạch diệt, sáng tạo sẽ như thế nào?
Đáp:
Muốn hiểu vấn đề này, trước cần biết qua cái kết thành tình và khí thế gian do nơi nghiệp lực của chúng sanh, mà nghiệp lực của chúng sanh lại do tâm khởi hiện. Thế nên, nói trạch diệt, sáng tạo, đó cũng là để tuyển trạch và diệt trừ nghiệp lực này từ tâm chúng sanh hiện ra, kết hợp thành cõi đời ác liệt, sáng tạo Chánh giác thế gian thiện mỹ vậy. Nhưng cõi đời ác liệt này cùng với cõi đời thiện mỹ, chẳng phải có thực hai cõi khác nhau, khả dĩ trạch diệt, khả dĩ sáng tạo được. Lại cũng không phải đem bỏ cõi ác liệt này mà riêng sáng tạo một cõi tốt đẹp khác. Nên biết, còn có phân chia cõi tốt, xấu khác nhau đó, đều do tâm nhiễm tịnh mà nên. Vả, quán trở lại chân tánh của mình thì xưa nay bình đẳng, xưa nay vốn trong sạch, không có sai biệt, đầy đủ, tốt đẹp, không có một mảy ác liệt nào mà có thể nói. Nhưng, bởi do sức vô thủy vô minh trụ địa, mê hoặc huân tập, hôn muội diêu động mà hiện ra các thứ sắc, sắc đó là tình cùng khí. Nhưng xưa nay tuy mê mà chơn như của tánh mỹ thiện vẫn tự tại viên dung biến khắp, chưa từng bị khuất mất. Nên nay trạch diệt tức là trạch diệt cái vô thủy vô minh trụ địa này, mà hiển bày tâm chơn như kia. Nay sáng tạo tức là đem tánh mỹ thiện sẵn có xưa nay đó mà hiển phát cho đầy đủ chắc thực. Chỉ một tâm này, thực không có hai, nên nói rằng còn có phân chia cõi tốt xấu là do tâm nhiễm tịnh mà biện biệt.
Kinh Duy Ma nói: "Tâm thanh tịnh thì thế giới thanh tịnh".
Kinh Lăng Nghiêm cũng nói: "Nên bình tâm địa thì thế giới địa tất cả đều bình". Nghĩa trạch diệt và sáng tạo cũng như thế thôi.
TIẾT 5: Toàn hệ thống quan Phật pháp của chúng ta. #
Bốn tiết ở trên là nói lược tất cả những luận đoán Phật pháp của người xưa và nay. Tuy chỗ thù yếu có sâu cạn đều bởi cái nhận thấy chưa được viên mãn, xin xem tiếp toàn hệ thống Phật pháp.
1. Thực chứng tất cả pháp, nhất tâm chơn như đạt đến mục đích của hình nhi thượng học. #
Tất cả pháp, tức vũ trụ vạn hữu.
Nhứt tâm chơn như, tức bản thể của tâm.
Vũ trụ vạn hữu, chính do tâm sai biệt và tâm sanh diệt của chúng ta hiện ra. Tuy chỉ do tâm hiện, tình cảnh như mộng, thoát khỏi hay thực chứng đều là hư vọng, chỉ có nhứt tâm chơn như viên minh, tịch chiếu vậy. Vì sao? Vì nó không sai biệt, không có sanh diệt, vì đầy đủ quang minh, đầy đủ trí tuệ xưa nay bình đẳng, xưa nay viên mãn. Cho nên trong Phật pháp xưa nay quan trọng ở phần thực chứng này. Chỉ có sự thực chứng nhất tâm chơn như của Phật pháp, mới đạt đến mục đích Hình nhi thượng học, pháp môn bất nhị vậy. Đây là bước đầu của Đại thừa Phật pháp .
2. Thành tựu viên mãn nhân cách và viên mãn pháp giới. #
Thành tựu viên mãn nhân cách đó, tức là thành Phật vậy. Phật tiếng Phạn là Phật đà, người phương này dịch là Giác giả. Giác không hạn cuộc ở loài người mà tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật, cho nên gọi là Giác giả mà không gọi là Giác nhơn.
Pháp giới, tức Tịnh độ Thường tịch quang, Viên mãn pháp giới, thì Thường, Lạc, Chơn, Tịnh không có sự ngăn cách bởi tình và khí, tức là Diệu giác Phật quả. Bởi nương nhất tâm chơn như là bổn nhân địa mà đạt đến cứu cánh địa. Đây là bước thứ hai của Đại thừa Phật pháp.
3. Tùy thuận không hạn cuộc thế giới chúng sanh, ứng hóa vô tận, lợi lạc vô tận. #
Hai phần trước nói tự lợi viên mãn, còn phần này nói diệu dụng lợi tha của Phật pháp.
Phật pháp giới chơn tịnh diệu minh không chướng không ngại, mà ứng thân kia hóa đạo ở thế gian đều vì sự lợi lạc cho tất cả chúng sanh.
Tùy thuận là vì chúng sanh trong sáu đường nghiệp lực không đồng. Hàng Nhị thừa, Bồ tát phần giác mỗi mỗi có khác, đều nương đức từ bi và nguyện lực của Phật mà có thể tùy thuận đó, khiến xa lìa mọi nỗi khổ, rốt ráo được an vui. Nhưng mà thế giới vô biên, chúng sanh vô biên, nên chư Phật ứng hóa vô tận. Đây là bước thứ ba của Đại thừa Phật pháp viên mãn tự lợi, lợi tha và là toàn bộ hệ thống của Phật pháp
CHƯƠNG II: QUAN NIỆM TƯ LỢI VÀ LỢI THA CỦA PHẬT PHÁP #
Trong tiết thứ 5, chương trước đã nói nhân cách thành tựu viên mãn, thì biết tự lợi của Phật pháp. Ứng hóa chúng sanh vô biên, thì biết lợi tha của Phật pháp. Lợi của Phật pháp nói đây, không như cái lợi bằng đối đãi, so sánh của thế gian, bởi nói lợi tha tức là chân chánh lợi tha, tự lợi tức là chân chánh tự lợi.
Lợi là đại danh từ chỉ hiệu quả do một thứ phương pháp, hành vi có thể đạt đến một thứ "Lìa hẳn khổ não, thành tựu an lạc".
Tất cả pháp trong thế gian không thể rốt ráo lìa khổ, được rốt ráo an vui. Chỉ có Phật pháp mới có thể rốt ráo dứt khổ, được an vui rốt ráo. Nên biết, chỉ trong Phật pháp mới có thể chân chánh tự lợi, lợi tha. Ngoài ra các pháp khác lìa khổ mà đều chẳng phải rốt ráo. Nếu so sánh lìa khổ được vui mà chẳng phải rốt ráo thì sự an vui trong thế đối đãi nhau, chẳng được cái lợi chân chánh.
Thử quan sát thế gian và các pháp bên ngoài qua biểu đồ sau đây.
Xét trong biểu đồ này, những điều thế gian cho là lợi, đã gồm hết không sót một vật, chỗ trọng yếu của nó là không ngoài danh lợi và cung kính. Nhưng đối trong Phật pháp những thứ này đều là pháp hư dối không thực, y cứ thức mà khởi. Thử đơn cử một vài ví dụ không thực, để trình bày cho vấn đề được sáng tỏ hơn.
Như, tài của có thể cho là lợi. Tài lớn nhất chẳng gì bằng. Xét cho cùng lẽ thực, thì tài không luận lớn nhỏ, đều thuộc sở hữu bản ngã của sáu thức trước. Nó có rồi sẽ hết, và không phải cứu cánh. Ngoài ra, đều có thể tỷ lệ theo điều vừa trình bày trên mà nhận hiểu.
Đây giải thích trạch diệt, tu trị và thành tựu của Phật pháp đối với thế gian pháp.
Chỗ y cứ của Phật pháp và Thế pháp
Thế pháp…………..Phật pháp
Năm thức trước……Thành sở tác trí
Ý thức………………Diệu quan sát trí
Thức mạt na………...Bình đẳng tánh trí
Tàng thức……………Đại viên cảnh trí
Nhìn biểu đồ trước, ta thấy thế pháp y cứ thức mà khởi, đến biểu đồ này thì rõ Phật pháp giới nhất chơn như. Tám thức đã chuyển, thì vọng pháp y cứ thức mà khởi tự trở về trạch diệt. Vọng pháp đã diệt, là cứu cánh dứt khổ, chứng pháp giới nhất chơn như mà thành tựu bốn trí mới là cứu cánh an vui.
Trông vào đây có thể biết Phật pháp lìa khổ được vui đều ở cứu cánh, nên nói lợi là cái chân chánh. Từ nghĩa này chương này có năm tiết sau.
TIẾT 1: Chỉ Phật pháp mới có tự lợi chân chánh. #
Người thế tục nói tự lợi, chẳng qua là cái lợi cho bản thân họ, lợi của gia đình họ, hoặc lợi của quốc gia họ... Tất cả đều không ngoài Ngã và cái sở hữu của bản ngã. Kẻ mê không ngộ, nên sớm tối chăm chăm, trải qua bao nguy nan, xông pha vào chỗ vạn tử mà không từ, mong đạt được cái lợi không thực và mỏng manh kia. Thực là họ đã lầm lẫn từ căn bản, bởi họ không biết cái tự mình đó ở chỗ nào? Thử đem vật chất tinh thần mỗi phương diện mà tìm, không thể có cái gì là tự mình. Thời gian trước, thời gian sau và ngay trong sát na hiện tại, tìm khắp cũng không thể được cái gì gọi là mình. Do đây, xa thì quan sát vũ trụ, gần thì quan sát trong thân tâm chính mình, đều không thể có được cái mình. Cái "mình" đó đã không có thì sớm tối bo bo lo tìm lợi, thử hỏi cái lợi đó ai được? Nếu như thế mà có thể gọi là tự lợi, thì có thể gọi là bất lợi cũng được vậy. Cho nên, chỉ có Phật pháp mới có chân thật tự lợi. Cái chân thật tự lợi này, lìa tất cả tướng, tức tất cả pháp, không sanh, không diệt, tự tánh chân thật tự tại. Ai đã phát minh được cái tự tánh chân thật này, thì người đó có thể lìa hết các sự khổ trong đời, hưởng được nguồn vui cứu cánh của Phật pháp. Đấy là tự lợi chân chánh và cũng chỉ trong Phật pháp mới có cái tự lợi chân chánh mà thôi.
TIẾT 2: Phật pháp thuần lấy lợi tha để thành tựu tự lợi. #
Người phát tâm Bồ tát quyết dùng tâm đại từ bi hộ niệm chúng sanh, dùng sức đại phương tiện cứu khắp chúng sanh, khiến chúng sanh hết khổ được an vui, mong được thành tựu công đức vô lượng vô biên, rồi sau mới chứng quả Vô thượng bồ đề.
Kinh Lăng Nghiêm nói: "Bồ tát phát tâm là tự mình chưa được độ mà trước muốn độ người khác."Đây là dùng lợi tha để thành tựu tự lợi, nên gọi “Phật pháp thuần lấy lợi tha để thành tựu tự lợi”. Như ở trong kinh Duy Ma Cật đã trình bày về pháp môn này.
Tiết 3: Phật pháp vì lợi tha, nên trước cầu tự lợi. #
Khắp cứu tất cả chúng sanh, nguyện lực tuy lớn, chỉ có niệm thực thi không dễ. Duy Phật pháp mới có thể đầy đủ đại năng thực thi này. Vì cầu năng lực thực thi này, nên trước cần tìm cái lợi tự mình được giải thoát. Nên nói:
Phật pháp vì lợi tha, nên trước cần tìm tự mình được lợi. Như các kinh thuyết minh về vãng sanh tịnh độ tức là pháp môn này.
Tiết 4: Tự lợi và lợi tha của Phật pháp không phân trước sau. #
Như trên đã nói lợi tha tức là tự lợi, tự lợi cũng chính là lợi tha. Thế nên, biết tự lợi và lợi tha trong Phật pháp không phân trước sau. Đại thừa Phật pháp đại để đều như thế.
TIẾT 5: Chỉ Phật pháp mới có lợi tha chân chánh. #
Tha là đối với Ngã mà nói. Ngoài thân ta, thế gian và tất cả chúng sanh đều có thể dùng chữ Tha để chỉ khái quát. Nhưng Ngã cùng với Tha đều là hữu tình, cùng là những phần tử trong thế gian, cùng là mê vọng bất giác, cùng là trầm luân khổ ải, cùng là hư ngụy, cùng là vô thường, mà tất cả danh lợi cung kính trong đời lại cùng là hư huyễn, lấy đó tự lợi đã không có hiệu quả, lấy đó lợi tha cũng không hiệu quả. Chỉ có Phật pháp mới có tự lợi chân chánh. Suy đây mà biết, tự lợi này do lợi tha mà có. Cho nên cũng chỉ Phật pháp mới có lợi tha chân chánh.
CHƯƠNG III: NHU YẾU PHẬT PHÁP LÀ ỨNG HÓA NHÂN TÂM HIỆN ĐẠI. #
Như tiết 5 trong chương I nói "Phật pháp tùy thuận không cuộc hạn trong thế giới chúng sanh ứng hóa vô tận, lợi lạc vô tận" thì trong tâm chúng ta sẽ biết rằng, Phật pháp là nhu yếu đối với đời sống của con người hiện nay. Tại sao như thế? Chương này có năm tiết sẽ nói rõ nghĩa này.
TIẾT 1: Phật pháp là nguyên tắc của khế lý và khế cơ. #
Thường lý tức là lý chân thực, bình đẳng không hai, xưa nay thường trụ, không đổi khác, chân thực, không hư dối. Đây không phải nói suông. Bởi chúng ta mê bản tánh của mình nên mờ mịt không có sở tri, chỉ có Phật bậc thành tựu Đại giác minh, đủ trí tuệ lớn, linh minh đổng triệt, giác chiếu viên mãn nên hay khế hợp không gián đoạn và có thể ứng với thường lý này, phát minh hiển bày đó, khiến cho chúng sanh mê vọng cùng biết, cùng ngộ, đồng lên ngôi chánh giác. Đến như phép tắc dời đổi vô thường ở đời, nhân nói thời phần (thời gian) mà sanh ra các thứ sai biệt, tâm chúng sanh cũng nhân đó mà có các thứ dị thù. Nếu không tùy thuận thế gian, khéo bày lời nói để đúng với thời gieo hợp cơ kia, thì được chỗ này mà mất chỗ nọ, hợp với quá khứ thì chẳng hợp với hiện tại. Thế nên, trong Phật pháp có cái tất yếu thích hóa thời cơ.
Phàm khế ứng với thường lý đó là cái chính thể của Phật pháp. Thích hóa với thời cơ đó là diệu dụng của Phật pháp. Hợp cả hai nghĩa này, lấy làm nguyên tắc thì thể dụng của Phật pháp được đầy đủ. Nếu ứng với thường lý mà không thích hóa với thời cơ thì mất cái diệu dụng của Phật pháp. Nếu thích hóa với thời cơ mà không khế ứng với thường lý thì cũng mất cái chính thể của Phật pháp. Và như thế đều chẳng phải làm sáng tỏ Phật pháp vậy.
TIẾT 2: Phật pháp là nguyên tắc tùy chúng sanh mà hiện thành. #
Phật là Pháp thân tròn đầy khắp pháp giới, không có thân tướng cố định, không thể nghĩ bàn. Vị Phật phát hiện ở thế gian là Phật ứng thân. Ứng thân thì tùy thân tướng của chúng sanh mà hiển hiện. Thân tướng chúng sanh có vô lượng vô biên thì ứng thân Phật cũng có vô lượng vô biên, đều vì tùy theo đó mà ứng hiện ra.
Đến trong Phật pháp thì bình đẳng không hai, vốn không thể nói được mà cũng không có các danh tướng. Nói khác hơn, chính cái tên gọi Phật pháp đó cũng không thể được. Có Phật pháp hiện hành ở đời, đó cũng là tùy theo tâm sai biệt của chúng sanh mà lập. Nói ở phần trước là không Phật có thể thấy, nói ở phần sau là không Pháp có thể thuyết.
Phật cùng Pháp của Phật đều tùy thuận thế gian, chúng sanh mà phát hiện và lưu hành.
Chúng sanh thế gian nhiễm có sâu cạn, giác có trước sau, các thứ sai biệt mỗi mỗi không đồng, Phật pháp nhân đây cũng có các sai biệt mỗi mỗi không đồng đều ứng hợp đó. Nói tóm lại, Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn. Tuy nói có nhiều như thế, song chỉ một việc duy nhất là lợi lạc chúng sanh mà thôi. Đây là nguyên tắc Phật pháp tùy thế giới chúng sanh hiện thành.
TIẾT 3: Nhu yếu Phật giáo cần đúng thời lập bày việc giáo hóa. #
Như trên đã trình bày, chúng ta biết điểm tất yếu của Phật giáo là đúng thời cơ mới lập bày việc giáo hóa. Đúng thời cơ mới lập bày việc giáo hóa nghĩa là, Phật pháp có công dụng phổ độ chúng sanh. Không thể đáp ứng với thời cơ lập bày việc giáo hóa, là đã đánh mất công dụng thiết thực của Phật pháp rồi. Nếu không thể đúng thời lập việc giáo hóa để phát khởi tín tâm của người đời, mà xướng minh giáo nghĩa, thì người đời đối với Phật pháp sẽ không được hiểu biết.
Trong thời pháp mạt, tâm chúng sanh phần nhiều hỗn loạn, họ mặc tình hủy báng, buông lung, hý lộng, thị dục nhiều bề... mất hẳn chánh niệm, hằng chìm đắm trong bể khổ, trôi lăn trong sanh tử, hoặc bị đọa trong các nẻo ác, không chỉ riêng Phật pháp nhân đó bị suy lạc, mà sợ rằng thế gian sẽ tuyệt diệt nữa.
TIẾT 4: Nhu yếu Phật pháp đối với dân tộc Trung Quốc. #
Sự hiện diện của Phật pháp ở đời ắt có mốc thời gian và có nơi chốn. Tiết này nói mục đích lấy dân tộc Trung Quốc làm phương sở, lấy hiện tại làm thời phần mà thuyết minh cái nhu yếu của Phật pháp.
Nói rằng dân tộc là hữu tình thế gian, còn Trung Quốc là dân tộc Trung Hoa tức là khí thế gian vậy. Bởi dân tộc cùng với lãnh thổ hợp lại thành quốc gia. Lãnh thổ là của dân, lấy dân làm chủ. Nay nói dân tộc Trung Hoa cũng lấy dân tộc làm trọng, Trung Quốc có nghĩa là làm sáng tỏ cái phạm vi trung tâm của dân tộc này mà thôi. Còn cái gọi là nhu yếu, cũng không phải khảo sát thời đã qua hoặc suy lường thời chưa đến, lấy ngay cái trạng huống trong hiện tại mà luận.
1. Nhu yếu Phật pháp đối với ý thịnh chí nhuệ. #
Người ý mạnh mẽ, chí sắc bén, thì dân tộc Trung Quốc là phần tử ưu tú, có tài khí, có hành vi liên hệ đến sự hưng suy của quốc gia. Cái cần yếu trong một nước tất nhiên phải có đạo đức cao thượng và học thuật tinh thâm, lấy đó làm mô phạm cho hành động, lấy đó để an ổn tâm hồn mọi người, khiến trong nước khỏi được nạn xung đột, mà tự thành tựu phép tắc chung, để làm chỗ nương tựa cho quốc gia.
Nước ta (Trung Hoa) từ xưa đến nay vốn trọng đạo đức, giảng giải tánh lý, người người đều cung kính lễ phép đã lập bày ra ngôi thứ. Kịp đến phong trào Tây học tràn vào, các học thuyết đua nhau nổi dậy, phản đối lẫn nhau, bài xích lẫn nhau (đây là đặc điểm của Tây học, nhưng cái hại của nó là ở sự phân lập các học phái mà không có hệ thống tối đại để làm chỗ nương tựa, giống như mỗi người dựng lên một cây cờ hiệu khác nhau). Vào là chủ, ra là kẻ nô dịch, gân cổ mặc tình biện cãi, đầy tai rầm rĩ, khắp nơi tuyệt không có một điểm quân bình. Kẻ sĩ tài trí trong nước ta bắt chước theo họ, vốn tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, bèn theo vết xe trước, đạp đổ rào vách mà đi.
Đến như tình trạng ngày nay, đạo đức bị phá hoại, tánh lý chìm mất, mọi người chạy đua phóng dật, đâu thể có được một khuôn phép mới nào khả dĩ làm chỗ nương tựa. Đầy dẫy lăng xăng những tư tưởng kia để không thể thu thập được gì. Chỉ có Phật pháp quảng đại viên dung, thâm áo khôn cùng, đầy đủ đạo đức, trong sạch không gì hơn, có diệu lý nhất chân bất nhị, phá bỏ cái vọng, thấy được cái chơn, dẹp tà hiển chánh. Cho nên tiếp hợp được với nhân tâm, làm khuôn phép cho kẻ học giả có luận lý vững chãi. Bỏ Phật pháp đi, lấy gì làm chỗ quy hướng! Đây là điểm trọng yếu thứ nhất.
2. Nhu yếu Phật pháp đối với chứa nhóm mê lầm. #
Thuở xưa nước ta (Trung Quốc) lấy thần đạo lập giáo, nguyên do bởi sợ hãi ngu ngoan, để bù vào chỗ thiếu thốn của hình chính. Nhưng rồi mê tín lần lần tích tập càng sâu, người dân không phản tỉnh. Bọn người gian giảo lợi dụng nó để làm công cụ mê hoặc người, giúp cho họ làm loạn. Nhỏ thì đóng góp tiền bạc, lớn thì muốn đoạt đến tư tưởng Đế vương (như Hoàng Cân giáo, Bạch Liên giáo...) nhiễu loạn xã hội, nguy hại đến quốc gia, đâu không phải là quá lắm ư ? Thật muốn trừ mê lầm ấy, phá tà chấp ấy, khiến bọn gian đảng kia đều mất chân đứng, nếu chẳng phải Phật pháp, thì không thể thành tựu được. Đây là điều trọng yếu thứ hai.
3. Nhu yếu Phật pháp đối với vấn đề năm chủng tộc sống chung hòa bình. #
Nước ta (Trung Quốc) đã hợp năm chủng tộc Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng, thuộc về một quyền thống trị, mà kiến lập nước Trung Hoa thống nhất này. Đem pháp chính mà nói, thì từ xưa nước ta đã lập hình thức thống nhất này rồi, nhưng nhân dân năm chủng tộc cùng ở trong một nước, hẳn nhu cầu chính yếu là phải tinh thần thống nhất, tức là thống nhất tư tưởng vậy.
Tư tưởng quan hệ với tôn giáo và đạo đức. Lời dạy của đức Khổng Tử vốn kiêm cả chính trị và đạo đức. Vì dân tộc Hán ta đã sùng phụng Ngài từ vài ngàn năm rồi, chỉ đối với các chủng tộc khác, còn chưa được phổ cập đấy thôi.
Giáo nghĩa của Mô Hãn Mặc Đức đã là nền tín ngưỡng của dân tộc Hồi.
Đến như Phật giáo, thì đã là nơi sùng phụng của các dân tộc Mãn, Mông, Tạng, Hán tộc ta từ đời Hán, Đường đến nay đã trải qua nhiều năm thịnh hành. Các nho sĩ thời Tống, Minh cùng đàm luận về cái học lý tánh, phần nhiều núp bóng ở trong Phật giáo. Thời gần đây sĩ phu, học tử nước ta biết luận đàm về thiền lý, giới phụ nữ, hàng nho nhã hiểu niệm Phật Di Đà. Đứng trên năm chủng tộc mà nói, thì đã có bốn chủng tộc theo đạo Phật. Huống nữa, Phật pháp xưa nay không lập bờ cõi ranh vức, trong Nhân thừa, Thiên thừa của Phật giáo có thể liệt ngang hàng với Hồi giáo, Gia Tô giáo vậy.
Thế nên, muốn mưu việc thống nhất tư tưởng, khiến cho nhân dân trong năm chủng tộc có tinh thần thống nhất, rất cần đến Phật pháp. Chỉ có Phật pháp mới đầy đủ năng lực vĩ đại này, và đây cũng là điều trọng yếu thứ ba vậy.
TIẾT 5: Nhu yếu Phật Pháp đối với nhân tâm hiện đại. #
Tiết trên đã nói riêng về dân tộc Trung Quốc. Tiết này sẽ mở rộng phạm vi của vấn đề là đem nhân tâm hiện thời, cùng trạng huống nhân loại trên toàn cầu mà quan sát. Nhu yếu Phật pháp đối với vấn đề này được phân thành các điểm sau đây.
1. Nhu yếu Phật pháp là chấm dứt nguyên nhân đại loạn của thế giới. #
Xu thế hiện tại của thế giới lấy Tây Âu làm trọng, khinh rẻ Đông Á ta. Chính trên đời loạn mà quan sát, thì Âu Tây cũng làm thịnh hơn Đông Á. Nhưng cái loạn của Đông Á ban đầu bởi ảnh hưởng Tây Âu. Đây không có gì khác, bởi cái học vật chất càng thạnh thì cái tâm chạy theo vật chất càng mạnh. Năm dục ngày càng bộc phát mạnh thì, như ngọn sóng cuồng tràn đổ, sức sinh sản khắp hoàn cầu không đủ để cung ứng cho sự hao phí. Giai cấp nghèo giàu khác nhau càng xa, mà đại đa số là giải quyết vấn đề sinh kế càng cấp bách, khí uất bất bình đầy lấp cả vũ trụ. Huống nữa họ vốn đuổi theo thói ác, đổi làm văn minh cạnh tranh giả vờ ngoài miệng "Vật tranh, trời chọn, ưu thắng liệt bại" cho là công lệ trời định. Vâng theo xem như khuôn vàng thước ngọc, do đó nước mắt mồ hôi của loài người tràn dâng không biết giới hạn.
Nhân xấu của người đời họ tự gây rồi, nay đây họ gặp nhiều nghiệp báo chúng đồng phận tối thảm, tối khốc này. Nhưng thói quấy, tập quán thành thục, không có phương pháp nào tự cứu, bởi vì vô minh, vọng động nên chẳng tự giác !
Người thời nay không thích cảnh loạn nữa, đồng đủ tâm này, thực muốn dứt nguồn tạo loạn, phải tìm tận gốc loạn của nó, thì chỗ khởi ra loạn là đầu mối tại nhân tâm. Nếu chẳng cần nhọc nhằn mà nghiệp lực tự giảm, thì đức Phật của chúng ta đã không vì chúng sanh đời sau, thương xót, dạy bảo, làm con mắt tương lai cho họ. Trước nhất là phải siêu việt trên tình, khí, thực chứng nhất tâm chơn như, chánh giác nhân tâm… Đây là diệu pháp vô thượng vậy.
Chúng ta bất hạnh sanh nhằm đời ác năm trược, lòng nhiều tán loạn, nay chính tuyên dương, xương minh Phật pháp để làm chính nghĩa cho nhân loại trên thế giới. Chính nghĩa được hiện bày, tức lòng người có chỗ quay về. Như vậy nguồn đại loạn ngõ hầu có phần giải được.
2. Nhu yếu Phật pháp là gây tạo một nền văn hóa mới cho thế giới. #
Ba hệ thống văn hóa lớn nhất của thế giới thời xưa là:
-
Văn hóa Ấn Độ.
-
Văn hóa Trung Quốc
-
Văn hóa Hy Lạp.
Nhưng hai nền văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc, ở nước ta (Trung Hoa) trong thời Tống, Minh đã có điểm dung hợp, làm thành văn hóa Đông Á (Khối văn hóa Đông Á gồm các nước như Nhật Bản... đều do Trung Quốc du nhập).
Ba tôn giáo lớn ở nước ta đồng hóa nhau từ thời Tống, Minh đến nay là dĩ nhiên. Còn văn hóa Hy lạp diễn tiến thành văn hóa Âu Tây ngày nay. Cho nên, đứng trên lập trường văn hóa thế giới hiện tại mà luận, có thể gọi hai khối văn hóa Đông Á và Tây Âu là hai, nhưng đối với khoảng cách của hai khối này, cái gì có thể làm phép tắc viên nhiếp bao trùm cả hoàn cầu này?
Thử quan sát nền văn hóa Âu Tây, chỗ chú trọng là "cạnh tranh" giáo cùng giáo, học cùng học, giới hạn khu vực, vọng phân ra rồi mỗi mỗi tự lập ngõ vào. A mới nói ra B liền đứng dậy phản đối, C thấy việc điều đình, D từ đó mà đập tan (đây là các nhà Triết học Âu Tây họ tự nói vậy). Thị phi nổi lên như bầy ong, họ không biết chiết trung. Vì thế, người cùng người tranh nhau, nước này nước nọ chém giết nhau, gây thành cái loạn lớn trên thế giới ngày nay.
Trên phương diện văn hóa mà nhìn, thì nó chỉ là vấn đề mỹ quan trên tiến trình nhất thời của vật chất mà thôi. Xét đến chỗ chân thực của nó thì, một góc trời Âu Châu còn không đủ để tự duy trì mối giây liên hệ nhau. Điều đó đối với thế giới nên tự biết vậy.
Xét trở lại nền văn hóa Đông Á thì, giáo có tông bổn, học có truyền thống, tướng Nhân, Ngã không lập, cái thấy nước khác với lửa không sanh. Phật nói bình đẳng, Nho còn lễ nhường, Đạo giữ thanh tĩnh. Tuy chỗ thấy có thông cuộc cạn sâu, mà đều muốn hội quy về chỗ chí cực của nó, nên có thể như nước với sữa hòa lẫn hợp nhau thành hóa. Cái Đức có đủ để thống nhất thành một nước lớn, kiến lập thành một thế giới duy nhất, duy trì vài ngàn năm không sụp đổ, các lân bang xa gần không đâu không đồng hóa (ở trên đều đứng trên phương diện văn hóa mà nói, chẳng phải đem quyền thống trị mà nói).
Mênh mông rộng lớn, không có gì sánh bằng, thực đủ để làm tiêu biểu cho nhân quần noi theo, làm mô phạm cho khắp thế giới mà không để lại chút hận thù nào. Hoặc có người nghi Âu tiến hóa, Đông chậm tiến, nhược điểm đó đã hình thành rõ ràng, như đã nói ở trên in tuồng khoe khoang, đâu biết rằng đây là do đạo lớn chưa được sáng tỏ, quốc vận chưa vững. Ví như đứa học trò chưa ra tỉnh thi, chỉ thấy qua trong làng xóm chật hẹp đâu đủ giới hạn khả năng của nó. Nhưng, nói văn hóa Đông Á, trong đó không nên quên rằng tuy gồm có ba hệ thống lớn, song đều thông suốt về một mối với nhau. Nghĩa đạo của Lão Trang đã nói rõ, Khổng Tử thì chú trọng thể pháp, không nói Tánh cùng với Thiên đạo, đệ nhất nghĩa đế trùm kín chưa thổ lộ, đều chưa đủ thỏa mãn cái Tâm của người đời, làm mục đích cho họ đạt đến chân lý tối cao. Chỉ có Phật pháp vi diệu vô thượng, nghĩa thì sâu mầu, văn thì hàm súc bao la, học thuật gồm đủ, lý thực thể duyên khởi đâu không cùng tột, thế thì đã gầy tạo cho thế giới một nền văn hóa mới, có cái tất yếu để xướng minh Phật học, cần xét rõ sự thực này.
3. Nhu yếu Phật pháp là đầy đủ nhân tâm và an ủi nhân tâm. #
Diệu dụng tột cùng của Phật pháp là ở sự ứng hóa trong thế giới lợi lạc chúng sanh. Vả, hay tùy thuận chúng sanh trong vô lượng vô biên thế giới mà ban cho họ vô lượng vô biên pháp môn khiến họ dứt đau khổ được hoàn toàn an vui.
Nhân tâm của người hiện thời mênh mang phức tạp không biết đến đâu là cùng, chìm đắm trong bể khổ, độ thoát không có kỳ hạn. Thực muốn ngay trong phiền não sanh tử này, khiến mỗi mỗi nhân tâm sai biệt không đồng đó, đều được đầy đủ, đều được an ủi. Cố nhiên phải cần đến pháp môn nhu yếu vô thượng của đức Phật chúng ta vậy.
CHƯƠNG IV: PHẬT PHÁP KHẢ THUYẾT VÀ BẤT KHẢ THUYẾT #
Đức Phật ra đời thuyết pháp độ sanh trải qua bốn mươi chín năm, đến lúc sắp vào Niết bàn, ngài "Niêm hoa vi tiếu" để tiêu biểu mấy mươi năm mà chưa từng nói một lời, bọn phàm phu chúng ta lại có gì để nói ư ?
Đây là chỗ "bất khả thuyết" của Phật pháp vậy. Ba tạng mười hai bộ kinh sờ sờ những lời vàng ngọc của Ngài đó, để vì các chúng sanh đời sau làm con mắt tương lai cho họ. Nhưng văn thì nhiều, nghĩa lại uyên áo thiển thức khó dò đến nơi, nếu không nhờ lời nói thì không do đâu mà liễu giải nổi. Đây là phần "khả thuyết" của Phật pháp vậy. Vấn đề này các tiết trong bản chương sẽ luận rõ.
TIẾT 1: Pháp của Phật pháp. #
Pháp, nghĩa thứ nhất là "nhậm trì tự tánh" là bảo nhận, chấp trì tự, thể, tánh, tướng của mỗi mỗi pháp mà hằng không quên mất. Nghĩa thứ hai là "Quỹ phạm vật giải" nghĩa là khuôn định phạm vi tâm lý của tất cả chúng sanh mà khởi ra giải hạnh (hiểu rõ và hành động). Pháp của Phật pháp đủ hai nghĩa này, thì vấn đề khả thuyết và bất khả thuyết có thể nương đây để giải thích.
TIẾT 2: Pháp tánh lìa ngôn ngữ "Bất khả thuyết". #
Pháp tánh tức là đệ nhất nghĩa của pháp. Tánh, tướng của pháp chỉ có Phật mới minh chứng hoàn toàn, chỉ có Phật mới liễu tri cùng tột thảy đều là chân. Lại tất cả lời nói đều là giả danh không thực. Bởi giả nên không thể hiển bày cái chân được.
Thế nên Pháp tánh lìa ngôn ngữ "bất khả thuyết".
TIẾT 3: Vì khiến cho tất cả chúng sanh được giải hạnh và thành quả, nên đức Phật khéo bày các lời nói. #
Như tiết trên trình bày, Pháp tánh lìa ngôn ngữ "bất khả thuyết" thì biết cái "khả thuyết" đó là không phải Pháp tánh. Cho nên tuy dùng tỷ lượng để chỉ bày, nhân dụ để làm sáng tỏ nhưng không việc nào là không phải phương tiện khéo léo thi thiết. Bởi vì lời nói chỉ có thể đem tâm lý của chúng sanh mà khuôn định phạm vi, khiến cho họ hiểu được lý rồi khởi công tu hành để đạt đến thành quả tốt đẹp.
Đây tức là nghĩa thứ hai của pháp, khéo bày các lời nói cho nên chưa từng "Bất khả thuyết".
TIẾT 4: Chuyển bánh xe pháp. #
Đức Đại bi Thế Tôn của chúng ta nói pháp, đó là Chuyển Pháp Luân.
Luân có ba nghĩa:
-
Như bánh xe của con trục cối xay gạo, hay phá dẹp nghiền nát những trấu lép. Dụ cho Phật pháp hay phá trừ ngũ trược phiền não (Kiến hoặc trong ba cõi, Tư hoặc ở cõi Dục, Tư hoặc ở cõi Sắc, Tư hoặc ở Vô sắc và Vô minh hoặc).
-
Cũng có nghĩa như bánh xe đạp của chiếc thuyền hay thông hành qua lại trong các cảnh vức. Dụ cho Phật pháp hay đạt đến bốn đức Niết bàn (Bốn đức là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh).
-
Lại có nghĩa như vòng tròn Nhật luân, Nguyệt luân, Địa luân, Thủy luân, Phong luân. Lấy tám phương trên dưới tròn khắp làm nghĩa. Dụ cho tánh đức tròn đầy của Phật pháp, pháp thân thường trụ.
Chuyển, nghĩa là khiến cho tất cả chúng sanh có khổ cải chuyển, hoặc là trước mê nay ngộ, hoặc là trước nhiễm nay tịnh, hoặc là trước khổ nay được an vui. Nói tóm lại là khiến chuyển phàm thành thánh.
Pháp luân, hoặc y theo lối giải thích thứ nhất, khiến chúng sanh nhờ đó mà phá trừ ngũ trược phiền não, hoặc theo lối giải thích thứ hai, khiến cho chúng sanh noi theo đó mà đạt đến bốn đức Niết bàn, hoặc y theo lối giải thích thứ ba để tiêu biểu tánh đức tròn đầy của Phật pháp.
TIẾT 5: Thừa của Phật thừa. #
Thừa, có nghĩa là chuyên chở đồ đạc bằng xe, nên chư Phật và Bồ tát nương pháp để vận tải dùng đó làm dụ. Cũng có nghĩa chuyên chở đồ đạc bằng thuyền, nên chư Phật và Bồ tát hay vận tải các pháp, lấy đó làm dụ.
Lại, cỗ xe Phật thừa, xuyên qua hai dụ trên, đều lấy "vận tải" làm nghĩa.
-
Từ "Vô minh vị" vận tải đến "ngôi Đại giác" đây thuộc Lý giáo thừa.
-
Từ "Hữu lậu tạp nhiễm vị" vận tải đến bực "Vô lậu thanh tịnh" đây thuộc Hạnh giáo thừa.
-
Từ chỗ “Sanh tử khổ não" vận tải đến nơi “Rốt ráo yên vui", đây thuộc Quả giáo thừa.
Phật thừa là diệu dụng của chư Phật phát khởi lòng thương lớn, thị hiện ra đời thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, khiến hiểu Lý tu hành, thành chính quả. Tùy thuận căn tánh của chúng sanh ưa thích không đồng, ứng dụng vô lượng mà không rơi vào các giai cấp. Tóm lại, hoặc nói ba thừa hay năm thừa (năm thừa là Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa. Ba thừa là ở trong năm thừa giản trừ Nhân và Thiên thừa). Trong quyển Đại Thừa Khởi Tín Luận nói riêng việc này rất tường tận (xin tham khảo trong đó), đều là diệu dụng của Phật pháp, thế nên nói gồm hết là Phật thừa.