CHƯƠNG 4 - BÍ ẨN BỘ BA CĂN TRẦN THỨC- CĂN LÀ GÌ? TRẦN LÀ GÌ? THỨC LÀ GÌ?-MỖI CĂN, MỖI TRẦN ĐỀU DÍNH MẮC DUNG THÔNG KHẮP PHÁP GIỚI, VÀ LUÔN CHUYỂN HIỆN TƯƠNG ƯNG-VÌ THẾ, PHẬT DẠY RẰNG 12 XỨ SỞ CHỈ LÀ LUỐNG DỐI-KHÁM PHÁ MỚI TÂM LINH HỌC CHỨNG MINH LỜI KINH XƯA-THUYẾT THỜI GIAN CỦA KOZYREV-
Đến đây để thành tựu thêm 1 phần nữa nhãn quan của chúng ta về cái Vòng huyễn-hiện của thức biến cũng như về lời dạy trong Kinh Lăng Nghiêm, thiết tưởng cần trình bày rõ ràng hơn nữa về cái bí-ẩn đắm-nhiễm-thu-hút-gắn-bó lẫn nhau giữa CĂN-TRẦN-THỨC, về Lẽ tương-sanh tương-duyên trùng trùng-huyễn-khởi-tương-ưng giữa Bộ Ba (trinity) ấy.
Trong bất cứ tôn giáo lớn nào, cũng thường đều có nhắc tới sự huyề-nhiệm của Trinity... Tỷ dụ như trong Cơ đốc giáo, thì có Ba ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần. Hoặc trong Lão giáo, thì ngài Lão tử viết: “Nhất sanh Nhị, Nhị sanh Tam…” Có điều là trong các tôn giáo khác, bí-ẩn của Bộ Ba không được triển khai và lý giải kỹ càng sâu sắc như trong giáo lý nhà Phật.
Những con số 1 hoặc 2 hoặc 3, hoặc 5, hoặc 7…đều thường được coi như những con số thần-bí (nomnres mystiques), vì chúng thường đánh dấu cho những nhịp bước sinh hóa của vũ trụ hiện-tượng trong cái diễn-trình từ Một chuyển thành vô-lượng. Nhưng thiết tưởng cũng không cần đi sâu vào ở đây, vì quá dài dòng.
Trong giáo lý nhà Phật, thì có rất nhiều Bộ Ba, như Tam bảo Phật-Pháp-Tăng, hoặc Phật-Pháp-Chúng sanh, hoặc CĂN-TRẦN-THỨC….Thực ra, thì sự biến-hiện tương-duyên-tương-sanh của các pháp đều có thể xếp thành những Bộ Ba được như Tục đế-Chân đế-Đệ nhứt nghĩa đế, như Người đi- Con đường đi qua và tác động Đi, như người tu. Con đường tu chứng và Tác động chứng đắc, hoặc như Cha Mẹ và cái gạch-nối-liền là Đứa con…Bộ Ba là chữ Y gồm 3 điểm * * * của nhà Phật.
Ở đây, chỉ cần nói về Căn-Trần-Thức. Vì Căn-Trần-Thức là tất cả pháp giới, và cũng là đầu mối, là nhơn-địa của con đường tu hành…
Dưới nhãn quan của nhà Phật, thì Căn-Trần-Thức chẳng phải là một, cũng chẳng phải là khác. Không những Căn-Trần-Thức, mà các pháp khác cũng vậy: pháp A so với pháp B, cũng chẳng phải một chẳng phải khác. Chẳng phải một vì có hình tướng cùng hoạt dụng khác nhau, nhưng chẳng phải khác vì đều tương sanh tương duyên và đều nằm ở trong cái màn quang minh của Tự-tâm biến hiện.
Căn-Trần-Thức cũng vậy. Chẳng phải một chẳng phải khác, vừa là Nhất-như lại vừa sai biệt….Chẳng phải một là vì chúng có hình tướng hoặc hoạt dụng có vẻ khác nhau. Nhưng chúng cũng chẳng phải khác, là vì chúng đều là do THỨC BIẾN, nên tương sanh tương duyên và đắm-nhiễm-gắn-bó lẫn nhau.
Phân biệt 3 thứ đó là một điều khó. Vì thế, ngài Huyền Trang mới viết: “ Kẻ ngu-giả khó thể phân biệt giữa Thức và Căn….” (Ngu giả nan phân giữa Thức và Căn). Cũng có thể nói thêm: người ít trí-huệ khó thể phân biệt giữa Thức và Trần, là vì Thức này khá lù mù lờ mờ, và thường khi có ảnh-tượng rất giống với trần cảnh.
Bởi thế, nên trong lối quán chiếu của nhà Phật, mới có phép quán Giới phân biệt, để suy tư quán chiếu nhằm phân biệt giữa 3 thứ đó.
Căn trần thức cũng tức là 6 nhập, là 12 xứ, là 18 giới…6 nhập là để chỉ cho tính cách tương-sanh-tương-duyên đắm-nhiễm-thu-hút giữa căn và trần. Còn 12 xứ mà Phật bảo đều là luống dối (no location), là để nhấn mạnh về tính cách dung thông chu biến khắp pháp giới của chúng. Trong khi 18 giới là để dạy cách phân biệt những sai biệt giữa căn trần thức.
Nhưng giáo lý nhà Phật thì bao giờ cũng vậy, cũng là dạy SONG CHIẾU... Nên sau khi Duy thức học dạy cách phân biệt những sai biệt giữa ba thứ đó và liễu tri rành rẽ rồi, thì giáo lý Bát nhã lại dạy cách quán chiếu Nội-ngoại-Không. Nội là căn, ngoại là trần, giữa là thức. Và cần phải quán chiếu cả 3 thứ đó đều là Không cả, đều là Nhất-như hay Tự-tâm biến hiện…Tóm lại, vừa phải liễu tri mọi sai biệt lại vừa thấy cái Nhất như, thì mới chứng nhập tuyệt vời được.
Kinh Lăng Nghiêm cũng dạy như vậy: vừa phải biết liễu tri rành rẽ, lại vừa phải thấy rõ là Huyễn-hiện-tương-ưng giữa căn trần thức…(Tương ưng: Loi des Corespondances).
Vậy thì can-trần-thức đều là Thức biến, đều do Tự-tâm biến hiện, đều có thể tạm coi là Nhất-như. Những vẫn cần phải liễu tri rành rẽ và phân biệt giữa ba thứ đó.
Làm sao phân biệt được đây?
Đa số kẻ thế-nhân, khi nghe câu hỏi này, chắc đều bậc cười lớn, và nghĩ rằng: “ Thực là 1 câu hỏi lẩm cẩm? Có gì mà khó phân biệt?! Căn là cái mắt, cái tai hay cái mũi, ngần ấy thứ đều rõ rệt lồ lộ. Còn Trần là cái bàn, cái ghế, bông hồng, con sông… Cũng đều quá rõ rang… Còn Thức thì là… cái mình biết… ơ hơ! Cái này thì cũng hơi mù mịt, không được rõ rệt lắm!...”
Nhưng kẻ thế-nhân ấy quên không nghĩ rằng: “Nếu con mắt là 1 thực tại hiện hữu độc lập riêng biệt và có tư-tánh, và nếu con sông hoặc bông hồng kia cũng là 1 Vật có thực thể riêng biệt, thì tại sao con mắt lại có thể BIẾT được bông hồng, dung thông được bông hồng?! Vì theo lẽ, thì 2 tự-thể riêng biệt không thể dung thông lẫn nhau được?....”
Bởi thế, nên trong Kinh Lăng Nghiêm, trang 1061, Phật mới dạy rằng: “Nếu cái thân của ông không phải là cùng một loài hư-vọng (nghĩa là cùng 1 thể, cùng là Thức biến) với cái Tưởng, thì làm sao cái tâm-tưởng lại có thể dung thông và sai khiến cái thân được?! Tỷ dụ như khi nói đến me chua, thì tâm ông khởi 1 tâm tưởng về me chua, rồi tự nhiên có nước miếng trong miệng chảy ra… ?! Nghĩ đến dốc cao và hẹp, thì lòng chân thấy ghê rợn… ?!”
Do đó nên cần hiểu rằng sở dĩ căn và trần biết được lẫn nhau, là vì chúng DÍNH MẮC với nhau, chúng cùng là một thể, cùng 1 loài hư-vọng, cùng là Thức biến… Chúng dính mắc chằng chịt đến mức khó có thể biết nổi làn ranh giới, để trả lời những câu hỏi như: Căn bắt đầu từ đâu, và hết ở đâu? Trần bắt đầu từ đâu, và hết ở đâu? Thức cũng vậy… Và cũng bởi thế, nên trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật mới dạy: "Cái Thấy ấy nó không phải là vật, nhưng nó cũng không lìa Vật. Cái thấy ấy, so với vật, thì chẳng phải một, chẳng phải khác. Chẳng phải Thị, chẳng phỉa Phi –thị…".
Chúng dính mắc chằng chịt (inextricablement mêlés) như vậy, vậy làm thế nào để tạm liễu tri và phân biệt được?
Muốn làm việc này, thiển nghĩ vẫn cần dựa theo những tiêu-chuẩn đã nói ở trên là:
-
Mức độ Vi-tế hay Thô-kệch của những quang minh của Thức đã DỆT nên chúng.
-
Mức độ Khinh-thanh-sáng-láng-tinh-minh hay Trọng-trược-ít-sáng-láng của những quang minh ấy.
-
Mức dộ tự-tại-lực biến hiện của quang minh….
Tóm lại, tức là những nhịp điệu rung chuyển cực kỳ thần-tốc hay kém thần tốc.
Căn-trần-thức là 1 lối xếp hạng. năm ấm, 7 đại cũng là những lối xếp hạng… Và lối xếp hạng nào cũng tượng trưng cho cái màn nhân-duyên chằng chịt bao la, tức là pháp-giới.
Nương theo những tiêu chuẩn nói trên, chúng ta có thể soi sáng liễu tri cái màn tương-sanh-tương-duyên căn-trần-thức như sau:
1- CĂN là gì? #
Trong diễn trình chuyển hiện của Thức Sơ-năng-biến ngày càng đi sâu vào những lớp thô-kệch lưu ngại, CĂN là cái KIẾN PHẦN, cái phần QUANG MINH VI TẾ KHINH THANH sáng láng tinh minh của những cọng-tưởng HƯ VÔ VI TẾ hoặc U ẨN đã được nói trong kinh Lăng Nghiêm.
Đừng lầm Căn với con mắt, hay tai mũi lưỡi thân. Các thứ này chỉ là những biểu-tượng thô phù bề ngoài của Căn, nên gọi là phù-trần-căn. Chúng chỉ là những bộ phận thô kệch để làm rõ rệt thêm những trần-tướng, là những chỗ mai mối, những lỗ hổng ra vào lai-vãng của những quang minh của Căn.
Vượt qua phù trần căn để vào sâu hơn nữa, thì là Tịnh-sắc-căn, do tứ đại vi-tế (matiére subtile) dệt thành. Tứ đại vi-tế hay thanh tịnh tức là những quang minh vi tế hơn.
Chắc rằng Căn vốn là Cái Thấy, nên còn ở sâu hơn cả tịnh-sắc-căn. Vì cái thấy bắt nguồn từ những quang minh hư-vô-vi-tế của Thức sơ năng biến.
Cái Tinh-minh diệu-viên, trạm-nhiên rỗng lặng, vốn không có vật gì cả. Nhưng vì Vọng khởi lên, bị dính mắc vào Vọng, rồi xoay vần miên viễn. Nên một mặt làm phát hiện nên Cái thấy bên trong, và mặt khác làm ảnh-hiện nên cái tướng-phần thô kệch tức cảnh giới bên ngoài.
Những quang minh của Căn hay Kiến-phần này cũng thường gồm có 2 phần, nhiều hay ít là tùy theo thứ căn nào. Hai phần là: Kiến-đại khinh thanh va dễ đứng-lặng hơn, và Thức-đại trọng trược và hay dao động hơn, như đã nói rõ ở những chương trên.
Vì dính mắc tương-duyên-tương-sanh lẫn nhau, nên các cảnh giới tức trần cảnh tức tướng-phần, thường luôn luôn không rời lìa, luôn luôn bao vây Căn tức Kiến-phần.
2 -THỨC là gì? #
Khi Căn hồn nhiên chiếu soi, không móng niệm muốn phân biệt hay rất ít móng niệm, thì những quang minh của nó thường ĐỨNG LẶNG. đứng lặng ở đây không có nghĩa là ỳ ra đó, mà có nghĩa là: nhịp điệu rung chuyển của quang minh đạt tới những tần-số (frequence vibratoire) cực lớn, mà không cớ sự lay-động lăng xăng ngang dọc, nên có vẻ như đứng lặng… Ở trạng thái hồng-tự-thể-cả (rose-en-soi). Chỉ có một số sắc-trần được ÓNG ÁNH phát hiện nên do Thức biến của Tướng-phần như: hình thù, màu sắc, âm thanh, hương vị và xúc như mềm rắn hoặc trơn rít mà thôi…
Rồi trong khi chúng ta nhìn ngắm, ngửi, sờ, mó… thì 5 thức trước thu nạp lấy những cảm thọ cùng cảm giác lẻ tẻ vụn vặt ấy, rồi chuyển chúng vào cho ý-thức. Ý-thức kết hợp chúng lại, rồi dung ký ức, suy tưởng, tưởng-tượng để phân biệt phối kiểm rõ ràng hơn, tạo dựng nên 1 tâm-tưởng, tức là 1 ảnh-tượng vô-biểu-sắc.
Cần nhớ rằng tâm tưởng nào cũng có ít nhiều hình-tướng cả. Như Ngài Di-lặc nói: "mỗi tâm niệm là một hình-tướng. " Nhưng ảnh tượng ấy còn là vô biểu sắc, và giác quan chúng ta chưa thấy được… Song những người tu hành có tha-tâm-thông thì có thể thấy được, và do đó, mới đọc được những tâm-niệm của kẻ khác.
Ý-thức đã tạo nên ảnh-tượng vô biểu sắc rồi, thì liền đem nó khoác lên, IN lên cái đám sắc-trần ở ngoài, rồi quyết nghi rằng: "À, cái này là một bông hoa màu vàng đây, giống này quý và thơm lắm…" Rồi yên chí rằng đó là một vật có thực, và tồn tại độc lập riêng biệt với cái chủ thể nhận thức.
Kỳ thực thì ở bên ngoài, chỉ có sự HỘI-TỤ của một đám sắc-trần tức là những ÁNH BIẾN HIỆN óng ánh của Thức biến thuộc Tướng-phần thô kệch… Nhưng ý-thức đã khoát lên đám ấy 1 ảnh-tượng và 1 cái tên, và coi đó là một vật có thực.
Cho nên, VẬT có sự khác biệt với TRẦN. Vì Vật gần như thuần túy là sự tạo dựng của tâm-thức của người đứng nhìn (construction mentale)… Bằng chứng là cùng một bông hồng ấy, nhưng những loài quỷ thần có nghiệp-lực khác lại nhìn thấy là một vật khác. Hoặc như dòng sông, loài người nhìn thấy khác và loài ngã quỷ thấy khác.
Bởi thế, nên ảnh-tượng về pháp giới của mỗi chúng sanh chỉ là sự LÓE lên của Thức biến tùy theo mức-độ nghiệp-lực.
Tóm lại, thì THỨC là gì?
THỨC là một con sông Thương nước chảy đôi going, gồm một phần những quang minh sáng láng hay chiếu soi của Căn, và GIAO THOA với những quang minh thô kệch và ít chiếu soi của Trần, để tạo dựng nên những ảnh-tượng hay bóng tối-tăm… Và tương xứng với các quang minh của những vọng tưởng HƯ MINH cùng DUNG THÔNG được nói trong Kinh Lăng Nghiêm…
Về những bóng tối-tăm này, cũng cần ghi rằng Hư-không cũng là một bóng tối tăm, vì hư-không cũng có chút ít hình tướng… Nên hư không là bóng tối tăm với nét vẽ nhạt, còn sắc tướng là bóng tối tăm với nét vẽ thật sâu đậm. Bởi thế, nên Kinh Lăng Nghiêm dạy: "hư không là do những mê-muội vi tế kết thành, còn sắc-tướng là do những mê-muội thô kệch lóng thành…"
3 -TRẦN là gì? VẬT là gì? VI TRẦN là gì? ÂM THANH là gì? #
Pháp giới này là một màn huyễn-hiện vọng hóa, do sức suy động của Nghiệp-vọng hay Nghiệp-thức. Và các sự vật đều là thức-biến, chỉ khác nhau ở mức-độ vọng-hóa thôi.
TRẦN với VẬT cũng vậy, cũng đều là huyễn-hiện, đều là do vọng-hóa dệt nên, nhưng khác nhau ở mức độ vọng hóa. Trần ở mức độ vọng hóa đơn sơ hơn, còn Vật ở mức độ vọng hóa sâu đậm hơn.
Thực ra, trong pháp giới này, tuyệt nhiên chẳng có một vật gì cả. Lấy tỷ dụ như một bông hồng, thì chẳng có một cái gì THỰC là bông hồng cả… Vì nếu quả thực bông hồng là một THỰC THỂ hiện hữu riêng biệt độc lập, thì con mắt cùng tâm thức ta không thể có cách gì mà dung-thông thẩm thấu với nó, mà BIẾT được nó.
Chỉ có một Đám-hội-tụ những ánh-biến-hiện óng ánh của Tướng-phần khởi lên từ Tàng thức, từ thời xa xưa vô thủy. Những ánh-biến-hiện ấy là:
-
Hình thù: như dài ngắn, vuông tròn méo mó… tạm gọi là sắc-trần.
-
Màu sắc: như xanh đỏ vàng trắng…cũng tạm gọi là sắc-trần… Sắc-trần này bao gồm cả sắc tướng, từ những thứ sắc rất nhỏ nhiệm tế-vi gọi là cực-lược-sắc hay vô biểu sắc cho đến những sắc rõ rệt có thể chỉ ra được gọi là Biểu-sắc.
-
Âm thanh hay Thinh-trần: như tiếng của loài hữu tình, tiếng của loài vô tình, tiếng của chư thiên, tiếng của bậc Thánh, tiếng vang….
-
Hương-trần: như mùi thơm, mùi hôi, mùi từ bản chất sanh (cu sanh hương), mùi do chế tạo mà có (hòa-hiệp hương), mùi do sự biến đổi mà sanh…
-
Vị-trần: có vị hoặc không có vị (vị lạt), vị vừa ý, vị không vừa ý, vị từ bản chất sanh, vị do hòa hiệp chế tạo mà có, vị do biến đổi mà sanh…
-
Xúc-trần: (le tanginle): như nhẹ hay nặng (trọng-lượng), lạnh-nóng, nhám-trơn, cứng hay mềm, dính hay không dính, có sức-lực hay yếu ớt, khỏe mạnh hay ốm yếu….
-
PHÁP TRẦN: tức là cái bóng dáng của 5 trần còn lưu lại trong ý thức. Nghĩa là khi mắt không còn trông thấy sắc, tai không còn nghe tiếng, hoặc than không còn chạm với xúc-trần…., nhưng trong ý-thức vẫn còn nhớ lại bóng-dáng của 5 trần.
Bóng dáng ấy được gọi là Pháp-trần, cũng được gọi là Lạc-tạ-ảnh-tử, nghĩa là cái bóng rớt lại.
Về điểm Pháp-trần này, cần phải nói kỹ hơn.
Pháp-trần này là một loại Trần khá đặc biệt, nửa như trong nửa như ngoài, nửa như dính với Tâm, nửa như dính với Vật. Và đa số chúng ta thường coi chúng là hư-ảo, hầu như không có, và chúng ta thường ít lưu tâm suy nghĩ về chúng.
Vậy cần đặt câu hỏi: so với 5 trần kia, thì pháp-trần này ra sao? Chúng THẬT hơn, hay là kém THẬT hơn?
Câu trả lời vẫn là: tất cả 6 trần đều chỉ là huyễn-hiện, chỉ là vọng-hóa của Thức-biến. Nhưng khác nhau ở mức độ vọng hóa, tức là ở mức độ quang minh vi-tế hơn hay thô kệch hơn mà thôi.
Nếu nói theo danh từ của Kinh Lăng Nghiêm, thì có thể nói rằng: trong khi 5 trần kia được DỆT nên bằng những quang minh của Kiên-cố vọng tướng hay Hư-minh vọng tưởng hầu hết lưu xuất từ Tướng-phần mà ra, thì Pháp-trần này được dệt nên bằng những quang minh của Dung-thông vọng tưởng hầu hết lưu xuất từ Kiến-phần mà ra.
Do đó, pháp-trần đã bị vọng-hóa thêm 1 tầng nữa. Nhưng vì chúng ở 1 bình diện sâu hơn, nên quang minh cũng vi-tế hơn, và có vẻ như hư-ảo… Chúng cũng chính là cái ảnh-tượng thức giáo độc đáo, mà tâm thức chúng sanh thường khoác lên trên Đám-hội-tụ của 5 trần kia, để tạo dựng cái đám-hội-tụ ấy thành 1 VẬT, như bông hồng hay trái núi chẳng hạn.
Vì chúng có vẻ hư ảo, nên chúng ta thường ít lưu tâm, và cho ta là chúng không có hình-tướng… Kỳ thực, thì chúng vẫn có hình-tướng, nhưng cực-lược-sắc hoặc vô-biểu-sắc. Vì thế, nên Ngài Di lặc mới dạy: " Mỗi tâm-niệm là 1 hình tướng. Nếu người nào bớt 1 tâm niệm tức là bớt 1 hình tướng. Và như thế, có thể hẹn ngày thanh tịnh được… Và khi 1 hành giả tu hành, đắc được thiên-nhãn-thông hay tha-tâm-thông, thì có thể nhìn thấy những hình tướng ấy của tâm-niệm… Và cũng bởi thế, nên những chư thiên ở các tầng trời cao của cõi sắc đâu có dung lời nói để nói chuyện với nhau.mà chỉ dung những quang minh tức hình-tướng tâm niệm để trao đổi chuyện trò với nhau mà thôi…
Do đó, nên Duy thức học thường dạy rằng Pháp-trần gồm mấy loại như: - Cực lược sắc tức là sắc rất nhỏ như vi trần, – Cực hánh sắc tức là sắc rất xa, thấy như tăm-tăm-mù-mù… - vô biểu sắc tức là thứ sắc không thể chỉ ra được…. – và Định quả sắc, tức là những sắc tướng do công phu tu Thiền quán mà lần lần hiện ra rõ rệt và linh động. Tỷ dụ như trong Kinh Lăng Nghiêm, có Ngài Nguyệt quang đồng tử tu phép quán Nước, thì lần lần có nước hiện ra rõ rệt….
Tóm lại, thì 1 kẻ phàm phu như chúng ta, đều có những tâm niệm để tưởng tượng hoặc nhớ lại. Những tâm niệm ấy đều có hình tướng nhưng vì thiếu công phu tu tập và định lực, nên hình tướng ấy chỉ là cực lược sắc, mơ mơ hồ hồ.
Nhưng 1 hành giả tu thiền quán, ngồi trong hang đá lâu năm, để quán chiếu Nước hoặc hình tướng 1 bậc Đại bồ tát, thì lần lần những quang minh của tâm tưởng quán chiếu miên tục ấy sẽ kết đọng lại thành 1 hình tướng rõ rệt linh động, như nước chẳng hạn hiện lên mênh mang chung quanh Ngài Nguyệt quang đồng tử… Cái đó, gọi là Định-quả-sắc.
Nếu sức thiền quán chưa cao lắm, thì lúc ban đầu, tuy có nước hiện ra nhưng chỉ 1 mình hành giả trông thấy thôi. Còn những người chung quanh chưa trông thấy nước.
Lên cao 1 mức nữa, thì những người chung quanh đều có thể trông thấy nước, rồi mới có thể SỜ MÓ được nước. Như trong trường hợp Ngài Nguyệt quang, thì một vị đệ-tử nó vào trong phòng cũng nhìn thấy nước.
Lên tới mức độ quán chiếu tuyệt vời của 1 bậc Đại bồ tát, thì chẳng cần phải dụng công lâu dài gì hết. Ngài chỉ cần khởi 1 tâm-niệm vô niệm về Nước. Tức là một tâm niệm không tình-nhiễm, không mong cầu, dưới ánh sáng của Trí-huệ bát nhã vô ngã như huyễn cùng lòng Đại bi bình đẳng để độ duyên. Thì do những quang minh tâm lực của Ngài, lập tức có nước hiện ra, rõ rệt và linh động, và tất cả chúng sanh đều thấy là nước cả, có thể nhìn ngắm ngửi nếm sờ mó được.
Cái vụ nước của Đại bồ tát này, có thể gọi là Diệu-định-quả-sắc. Dệt nên do những quang minh vi diệu của tâm lực của ngài.
Còn như chúng sanh chúng ta vẫn nhìn thấy nước ở chung quanh mình, thì nước đó là do Nghiệp-quả sắc, do những vọng-tưởng kiên cố từ vô thủy của ta củng kẻ đồng loại dệt nên… Nước ấy, so với Diệu định quả sắc của Đại Bồ tát thì cũng là một vì giống y hệt như nhau, nhưng cũng là khác vì cỗi nguồn khác nhau….
Tóm lại, TRẦN và VẬT vừa tương-tợ lại vừa khác nhau là như vậy: Trần là những ánh-biến-hiện óng ánh dệt nên bởi những quang minh của vọng tưởng kiên-cố hoặc hư-minh, phần lớn lưu xuất ra từ nơi Tướng-phần. Còn vật là cái ảnh-tượng thức giác độc đáo, dệt nên bởi những quang minh của những vọng tưởng dung-thông của ý-thức, phần lớn lưu xuất từ nơi Kiến-phần, rồi tâm thức chúng sanh thường mang ảnh-tượng ấy IN lên đám hội-tụ của Trần và tạo dựng thành một Vật (construction mentale), rồi đặt tên cho nó, và yên chí đinh ninh nó là thật… Tuy nhiên, Vật cũng không thể lìa Trần mà có được.
Còn Vi Trần là gì?
Đây là 1 điểm mà đa số chúng ta thường thắc mắc, và ngay cả những nhà khoa học cũng thắc mắc băn khoăn, chưa dám quyết đoán vi-trần hay cực-vi là gì, là Vật hay là Tinh-lực thuần túy?! Là lượng-tử (corpuscule) hay là ba-động (onde)?!
Là vì họ quá kiến chấp vào những hình-tướng thô kệch, quá ưa thích sự so-đo phân biệt, quá tin rằng có một thứ vật-chất thuần túy (mati è pure) THẬT CÓ, chưa hiểu gì về Tâm vô tướng mạo, chưa hiểu lẽ biến-hiện của những quang minh lưu xuất từ Tâm, chưa hiểu lẽ Như huyễn, chưa hiểu cái diễn trình biến-hiện không ngừng từ tâm sang vật, rồi lại từ Vật trở về Tâm… Tóm lại, là vì chưa đọc và chưa hiểu kinh Lăng nghiêm.
Vật thô kệch là do Tâm biến hiện, do nghiệp-lực chiêu cảm, do những vọng tưởng kiên-cố kết đọng lại mà thành hình. Vật cũng là do vô lượng những vi-trần hay cực-vi giả hợp lại mà thành… Nếu Vật là có THẬT, thì ta không có cách gì CHIA CHẺ hoặc ly-tán nó ra thành những phần nhỏ hơn được. Ngược lại, nếu vi-trần là có THẬT, thì cũng không có cách gì GIẢ HỢP chúng lại để dựng thành Vật được. Sở dĩ có thể giả-hợp giả-ly được là vì chúng đều là Như-huyễn, đều là biến-hiện.
Nhưng ở kích-độ (echelle) thông thường thô kệch của vật thì những giác quan chúng ta khó có thể tế nhận được tính cách biến-hiện của nó. Trừ những vị đã đắc thiên-nhãn… Song khi đi dần xuống lãnh vực cực vi, thì tính cách biến-hiện hay biến ảo của chúng lần lần bộc lộ. Như vật-lý-học ngày nay đã nhận thấy rằng chúng thực kỳ ảo và đôi khi biến ảo như ma quái. Vì chúng xuất hiện có khi như ba-động, có khi như hạt-tử, và đôi khi lại biến mất giữa nơi môi-trường quan sát và mịt mùng tăm tích.
Là vì sao?
Chỉ là vì VI TRẦN ở ngay nơi làn ranh-giới của diễn trình chuyển hiện giữa Sắc và Không, và chúng đều là những ÁNH BIẾN HIỆN óng ánh của vô vàn thứ quang minh rung chuyển theo đủ thứ nhịp điệu và đủ thứ tần-số…
Vì là những ánh-biến-hiện, nên chúng thường là vô-tướng-mạo đối với giác quan đa số chúng ta… Nhưng trong những vũ-điệu lắt lay của chúng, nếu chúng GIẢ HỢP lại thành 1 đám, hoặc gặp 1 lớp LƯU NGẠI, hoặc là do cái ĐÀ NỘI TẠI của nghiệp-lực khiến chúng bị vọng-nhiễm nặng hơn. Thì chúng liền phát-hiện thành hình-tướng màu-sắc… Hoặc có khi, chúng lại như tan biến, để trở thành 1 bình diện quang minh vô-tướng-mạo hơn.
Vi trần là như vậy.
Bởi thế, trong luận Cu-xá, ngài Thế thân viết: "Các vi trần vốn không có tướng mạo. Nhưng khi một số giả hợp hội-tụ-lại, thì chúng làm phát hiện hình-tướng…."
Hoặc như ánh sáng mặt trời, vốn không màu, nhưng khi gặp làn mưa-bụi LƯU NGẠI, thì chúng tự giao thoa, tức là tự hội-tụ, rồi làm phát hiện 5,7 màu….
Và cũng bởi thế, nên lời kinh xưa nơi Lăng già hội, mới dạy: "Cho đến vi-trần, phân tích tìm cầu TRỌN KHÔNG THỀ ĐƯỢC…." Nghĩa là không thể nào tìm được 1 thứ cực-vi cuối cùng, để làm 1 vật cơ-bản, 1 viên gạch cơ-bản để xây cái lâu đài vũ trụ… Là vì chúng chỉ là những ánh-biến-hiện của quang minhm chiêu cảm bởi nghiệp-lực của chúng sanh đứng coi màn vũ điệu lắt lay và chập chùng của pháp giới…
Vậy còn ÂM THANH là gì?
Có lẽ âm thanh cũng tương tự như vi-trần. Nhưng torng khi sắc-tướng vi trần được dựng nên bởi những tia-chớp-nháng phụt lên từ Chân-không do sức Hành của nghiệp-vọng (có thể gọi sự phụt lên ấy là sự Lay-động uyên-nguyên hay mouvement originel), thì có lẽ âm thanh được phát-hiện nên do sự chuyển-động lăng-xăng ngang dọc (mouvement tangentiel hay la te1ral) của những luồn quang minh suy động bởi những cơn gió của nghiệp-vọng. Và khi luồng này chạm phải những lớp LƯU NGẠI, thì nó làm phát hiện âm-thanh.
Trên đại cương, có thể là như vậy. Nhưng tùy theo giai tầng hoặc mức dộ vi-tế của quang minh, các âm thanh hay sắc tướng phát hiện ra cũng đều có sự khác biệt… Tỷ dụ như những âm thanh mà tai con người thường nghe đều chỉ là những âm thanh thô kệch, còn những âm thanh mà chư thiên thường nghe chắc là vi-diệu hơn.
Do đó, nên Kinh Lăng Nghiêm, trang 779, dạy: "Nhân ĐỘNG mà có TIẾNG…"
Trong Kinh Hoa Nghiêm, có nhiều đoạn dạy rằng: "Ở trong quang minh phát ra những diệu-âm…."
Trong Đại trí độ luận ngài Long Thọ dạy: " Khi chúng ta khởi lên một tâm-niệm muốn nói, thì một luồng hơi khởi lên từ lống ngực, chuyển xuống phía dưới bụng, chạm vào đó rồi bật ngược lên, và chạm phải vết hầu, lưỡi, răng, môi, má… và bật ra thành TIẾNG NÓI…"
Về âm thanh, trong Kinh Lăng Nghiêm, có một đoạn (trang 223) Phật dạy rất sâu sắc và khó lý giải:
"A Nan, ông lại nghe trong vườn Kỳ đà này, khi đồ ăn dọn rồi thì đánh trống, khi chúng nhóm lại thì đánh chuông, tiếng chuông tiếng trống trước sau nối nhau… Ý ông nghĩ thế nào? Như thế là, cái tiếng đến bên cái nghe hay là cái nghe đến bên cái nghe hay là cái nghe đến chỗ cái tiếng…?"
Phật đặt câu hỏi như vậy rồi, thì Ngài diễn giải và lập luận đại ý như sau:
"Nếu nói rằng cái tiếng tức thanh-trần đến bên cái nghe tức nhĩ-căn, thì không đúng. Vì sao? Là vì nếu tiếng trống đã chạy đến bên tai của ông A Nan rồi, thì đâu còn có thể chạy đến bên tai ông Mục Kiền Liên được nữa?... thế mà trên thực tế, thì không những ông A Nan và Mục Kiền Liên, mà cả đại chúng cũng đều nghe thấy rõ ràng tiếng trống.
Còn nếu nói rằng cái nghe của ông A Nan đến với tiếng trống thì cũng không đúng nốt. Vì sao? Là vì nếu cái nghe của ông A Nan đã đến nơi tiếng trống, thì lẽ ra không thể đến nơi tiếng chuông được nữa… Thế mà trên thực tế, ông A Nan lại nghe được cả tiếng trống lẫn tiếng chuông, đồng thời có thể nghe nhiều thứ tiếng khác nữa như tiếng niệm Phật hay tụng kinh chẳng hạn…."
Rồi ngài kết luận: "Vậy nên biết rằng cái nghe và cái tiếng đều không có xứ sở. Tức là cái nghe và thanh-trần, cả 2 xứ ấy đều LUỐNG DỐI, vốn không phải tính nhân-duyên cũng chẳng phải tính tự-nhiên…."
Lời dạy trên đây, cũng như nhiều lời dạy khác trong Kinh Lăng Nghiêm, thật là cô đọng, bí hiểm, như ẩn như hiện, nhưng thực là mênh mang sâu sắc.
Có người cho rằng lối lập luận của ngài là nói theo quyền-nghĩa để phương-tiện cảnh tỉnh ngài A Nan cùng đại chúng. Nhưng suy ngẫm kỹ thì sẽ thấy rằng những lời của Ngài trên đây đều là THẬT-nghĩa, THẬT-pháp.
Vậy chúng ta nên hiểu thế nào về đoạn này?
Đây là Phật dùng LỐI NHÌN rốt ráo, lối nhìn Đệ-nhứt-đế, lối nhìn Tự-tâm biến hiện, lối nhìn Trung-đạo Huyễn-khởi-tương-ưng. Để làm gì? Để gột sạch những kiến-chấp và bác bỏ cả 2 luận-cứ: luận cứ của kẻ thế-nhân phàm phu và luận cứ của ngoại đạo trong sự giải thích việc NGHE thấy ÂM THANH.
a)- Phàm phu chúng ta, và kể cả khoa học nữa, thường chấp rằng cái nghe của con người hoặc của chúng sanh là cái Tai. Và cái tai thì cớ xứ sở cố định, có vị-trí rõ rệt trong không gian và thời gian… Không hề nghĩ rằng cái nghe ấy nó vượt qua cả cái tai, vượt sâu hơn cả tịnh-sắc-căn, và nó dính với cái Tâm và có thể chu biến khắp nơi chốn. Vì nó là sự huyễn-hiện của cái Kiến-phần trong cái Tâm.
Cũng thường chấp rằng tiếng trống là ở nơi cái trống, ở nơi cái màng trống và chiếc dùi trống. Nghĩa là có xứ-sở rõ rệt trong không-thời gian… Không hề nghĩ rằng tiếng trống đó, tuy thô kệch, nhưng vẫn dính với cái Tâm và có thể chu biến khắp nơi, tùy theo cơ-duyên nếu đầy đủ thì phát-hiện… Vì nó chính là sự huyễn-hiện của Tướng-phần trong cái Tâm.
Mang nặng và sâu những kiến chấp ấy, kẻ phàm phu cùng khoa học cố gắng tìm một cách lý giải để giải thích việc nghe thấy tiếng trống… Họ giải thích rằng: sở dĩ ta nghe thấy tiếng trống là vì TIẾNG ĐẾN BÊN TAI..Tiếng trống gây nên những chấn động, nhân đó kích động những lượng tử không khí chung quanh, mỗi mỗi kích động lẫn nhau, đến lượng-tử không khí sau cùng kích động vào màng tai của ta, truyền vào tế bào thần kinh, làm phát lên cảm giác thanh-trần tức tiếng trống.
Lối giải thích này thoạt nghe thì thấy là rõ rệt và hợp lý lắm. Nhưng nghĩ kỹ, thì thấy rằng đó cũng chỉ là một sự ức-đạc mơ hồ, và có nhiều kẽ hở.
Kẽ hở thứ 1 là: sự kích động hay ba-động của những lượng-tử không khí này nó đi đến màng tai, thì chỉ có thể nói đó là không khí ba-động, mà chẳng có thể gọi là âm-thanh ba-động được.
Thứ 2 là: trong lúc không khí bị kích động, thì những lượng-tử không khí cũng chỉ chấn động trên bản-vị của nó, tức là dập-dềnh vậy thôi, và chẳng có 1 lượng tử nào từ bên tiếng trống chạy thẳng đến màng tai cả. Nên khó có thể nói rằng tiếng đến bên tai.
Thứ 3 là: sự chấn động của những lượng-tử không khí vốn lặng lẽ nhỏ nhiệm như vậy, tại sao ở trong tai lại nghe thấy một tiếng động lớn ầm ầm như vậy?
Kẽ hở thứ 4 là: thực ra, thì Cái nghe của chúng sanh nó lạ lùng kỳ diệu lắm. Nhiều khi cũng chẳng cần phải có thanh-trần bên ngoài nữa, mà cái nghe vẫn thấy tiếng. Tỷ dụ như khi ta lấy tay bịt chặt 2 lỗ tai ta vẫn nghe thấy tiếng ù-ù… Hoặc có khi ta nằm mơ như giấc mơ hãi hùng của vua Ngô Phù sai lúc sắp mất nước: mơ thấy nói hoàng cung lạnh lẽo vắng ngắt, không một bóng người, chỉ thấy nước chảy cuồn cuộn, và TIẾNG sóng vỗ ào-ào… hoặc có khi lâm chung, vì túc nghiệp sâu nặng, gió nghiệp nổi lên rào rạt, một người có thể nghe thấy những tiếng động khủng khiếp như trời long đất lở, và lần lần kéo tới đổ sập xuống mình…
Thành thử ra: cái thấy-nghe-hay-biết nào cũng lạ lùng kỳ diệu cả, và cái Trần nào cũng lạ lùng kỳ diệu cả, như trong Kinh Lăng Nghiêm có điễn nói rõ ràng trong đoạn Giao-báo của Nghiệp-lực… Tại sao kỳ diệu? Là vì Thấy-nghe cũng như Trần đều dính vào cái Tâm cả, đều là huyễn-hiện của Tâm và cái Tâm này thì nó vốn dĩ là kỳ-diệu.
Vậy thì chúng ta nên quyết đoán ra sao về luận-cứ: Tiếng đến bên tai… của phàm phu và khoa học này?
Có thể nói rằng: đó là lối nhìn của phàm phu, lối nhìn theo hình tướng, lối nhìn thô kệch, lối nhìn của biết vật với vật mà chưa biết vật với tâm, lối nhìn theo 6 thức mà chưa biết đến Tàng thức, lối nhìn theo TỤC ĐẾ.
Lối nhìn này không phải là hoàn toàn sai, nhưng chưa phải là chân xác, chưa phải là Chánh-kiến rốt ráo liễu nghĩa… Cũng tương tự như 1 anh mù sờ voi… Sờ được cái tai voi, thì anh mù cười ha hả, nói rằng: voi nó giống như cái quạt quạt lúa. Sờ được cái chân, thì quyết đoán: voi nó giống y như chiếc cột nhà vậy… Nói như vậy, thì không phải là hoàn toàn sai, nhưng chưa phải chân xác rốt ráo. Mới chỉ là Tục-đế. Nhưng Tục-đế này cũng nằm trong CHÂN ĐẾ, cũng như cái quạt và cột nhà cũng là khía cạnh (faceete) hình thù của voi. Và lên đến tột-bờ-mé, thì Tục-đế sẽ chuyển thành Chân đế rồi Đệ-nhứt-nghĩa-đế.
b)- Luận cứ của ngoại đạo: TAI ĐẾN BÊN TIẾNG. Họ cho rằng: Thực ra thì không phải là tai đến bên tiếng, mà là Cái nghe đến bên tiếng.
Đây là luận-cứ của nhiều trường phái ngoại đạo. Lối nhìn này đã cao và sâu hơn lối nhìn của thế nhân phàm phu, vì ngoại đạo hiểu rằng Cái nghe không phải cục hạn ở cái bộ phận thô kệch là cái tai, mà thường siêu xuất phù-trần-căn ấy.
Ngoại đạo cho rằng: sở dĩ tai nghe được tiếng, hoặc mắt nhìn thấy vật… không phải là vì những ba-động của âm thanh đi tới bên tai hoặc là những luồng quang minh của vật lọt được vào con mắt. Nhưng phần lớn là vì tâm thức con người vốn là cái Thần-ngã, và Thần-ngã này thường phát ra những luồng thần quang. Rồi những luồng thần quang phóng ra ngoài qua những lỗ hổng là tai hay con mắt, hay các căn khác, và chuyển động tới ÔM SÁT lấy âm thanh hoặc sự vật. Do đó, nên nghe thấy âm thanh, hoặc nhìn thấy sự vật.
Đọc Kinh Lăng Nghiêm, ở đoạn ma chướng, thì ta thấy rằng các ngoại đạo tu tập Thiền quán, nhiều khi cũng vào được khá sâu trong những lớp tâm thức, có thể lọt được vào Hành-ấm để nhìn thấy giòng biến dịch vi-tế của những vọng tưởng a-ẩn của Mạt na thức. Hoặc lọt vào được Thức-ấm, để thấy những quang-minh hư-vô-vi-tế của Tàng thức. Vào được đây rồi, nhận thấy rằng Tàng thức của mình dung thông với sinh mạng các chúng sanh cùng pháp giới, nên các ngoại đạo thường lầm lạc tự mãn, và khởi tâm chấp trước, tạo thành những ma-chướng về Lý…
Hoặc chấp trước rằng mình đã tới bến rồi, cho đó là chân-thường, là Đại niết bàn hoàn toàn tịch diệt, chân thường và chân lạc. Hoặc chấp rằng đó là Minh-đế, hay là Thần-ngã… có thể sanh ra vạn vật… Và không hề nghĩ rằng đó vẫn còn là cái màn Vô-minh vi-tế cuối cùng, mà kẻ hành giả cần phải gột sạch và chuyển, thì mới tới được bỉ ngạn rốt ráo, mới chứng nhập được Thực tại cuối cùng là Diệu tâm.
Vì không hiểu Diệu tâm cùng lẽ Tự-tâm biến hiện như-huyễn, nên họ dĩ nhiên là không hiểu Lẽ tương-sanh tương-duyên cùng Huyễn-khởi-tương-ưng. Trái lại, họ chấp rằng Thần-ngã ấy là có, và những luồng thần quang hay quang minh ấy cũng là thực có và cho rằng những luồng thần quang ấy được phóng ra và ôm sát lấy âm thanh cùng sự vật, rồi do đó, có sự nghe và thấy.
Lối nhìn này của ngoại đạo dĩ nhiên là cao hơn và sâu lối nhìn nói trên phàm phu. Vì sao? Là vì họ đã nhận thấy những quang minh vi-diệu của tâm thức, và sự trội hơn của những quang minh này so với những quang minh thô kệch phát ra bởi sự vật… Nhưng họ vẫn chưa biết rằng tất cả những sự vật ấy, tâm thức ấy, cùng quang minh ấy… đều chỉ là sự Huyễn-hiện cũa Tự tâm, do nghiệp-lực chiêu cảm.
Do đó, nên Phật cũng bác luôn cả luận cứ này.
Để làm gì?
Chỉ là để điểm hóa cho hàng ngoại đạo, nâng họ lên bình diện rốt ráo, lên lối nhìn Tự-tâm huyễn hiện, tương-sanh tương-duyên hay Huyễn-khởi-tương-ưng.
Nghĩa là: trong pháp giới này, thì 2 phần TƯỚNG PHẦN và KIẾN PHẦN bao giờ cũng Huyễn-hiện hay Chuyển-hiện-thay-đổi TƯƠNG ƯNG với nhau. Khi Tướng phần có một sự thay-đổi (change) tức chấn-động, làm phát hiện một âm thanh, 1 hình sắc, 1 mùi hương…, thì Kiến-phần cũng có một sự thay-đổi tương ưng làm phát-hiện cái nghe, cái thấy hay cái ngửi… Và ngược lại cũng vậy, nếu có sự chấn động thay đổi trong Kiến-phần tức là trọng nghiệp-lực, thì cũng có sự thay đổi tương-ưng trong Tướng-phần.
Và trong cái màn Huyễn-hiện đổi thay bập bềnh dao động của Nghiệp-lực ấy, thì phàm phu và ngoại đạo nhìn thấy NHƯ CÓ SỰ CHUYỂN ĐỘNG (mouvement), nhưng thực ra, chuyển-động chỉ là 1 ảo giác hay ảo tưởng, mà chỉ có sự chuyển-hiện-đổi-thay mà thôi (Ii n’y a pas de mouvement dans fantasmagorique, il y a seulement change)… Và nếu quán chiếu sâu hơn nữa, thì ngya sự chuyển-hiện-đổi-thay này cũng chỉ là mộng-ảo. Vả lại, mỗi Căn cũng như mỗi Trần đều dính mắc dung thông với khắp pháp giới. Nếu gán ghép cho chúng 1 xứ sở cố định thì đều chỉ là LUỐNG DỐI. Và những lối nhìn: Tiếng đến bên tai hoặc Tai đến bên tiếng… chỉ là thấp kém thiển cận. Vì Căn và Trần vốn dính mắc và chuyển hiện Tương ưng, thì đâu có cần cái nọ phải chạy tới bên cái kia mới có thể nhận biết được nhau!?!..
Do đó, nên ở bình diện Bất nhị này, nói quang minh vô tướng mạo cũng được, hoặc nói quang-minh hiện tướng cho dễ hiểu cũng được… Hoặc nói Bất-động cũng được, hay nói là chuyển động cực-kỳ-thần-tốc cũng vẫn được…
4- Đối với TÂM THỨC 1 người hay 1 chúng sanh, thì các sự vật ẨN HIỆN ra sao? #
Pháp-giới hay là các sự vật, đều chỉ là Thức biến, đều chỉ là những ảnh-tượng hình-tướng hư-vọng, và đều dính mắc với Tàng thức cùng tâm thức chúng sanh. Cho nên, các sự vật đối với chúng sanh ấy thường TÙY THEO CƠ DUYÊN mà UYỂN CHUYỂN ẨN-HIỆN, hoặc hiển bày lồ-lộ rõ rệt trước 5 thức, hoặc mờ nhạt đi thành 1 ảnh tượng dung thông của ý-thức, hoặc ẩn chìm hẳn trong những khoảng mông lung mịt mùng của Tàng-thức.
Do đó, nên giáo lý nhà Phật có thể gọi là nền giáo lý thậm thâm vi-diệu về sự ẨN HIỆN của các thứ ảnh-tượng. Ẩn và Hiền, Chìm và Nổi.
Để hiểu rõ Lý uyển-chuyển-ẩn-hiện của các thứ hình-tướng hư vọng, ta hãy lấy tỷ dụ 2 người, ông A và ông B, cùng đứng cạnh nhau trên bờ 1 con sông, và nhìn thấy trước mặt 1 trái núi lừng lững ở ven trời.
Ông A và B, đến kiếp này cùng sanh ra làm người, đều có 6 căn tương đối bình thường lành mạnh... nên dĩ nhiên là hàm chứa nhiều cộng-nghiệp tương đồng. Những kiên-cố vọng tưởng (tức tập-khí nhận thức thô kệch) của 2 người, xoay vần viên miễn từ vô thủy, đến kiếp này NỞ ra và chiêu cảm sự chuyển hiện của Tướng-phần. Làm phát hiện ra 2 ảnh tượng (về trái núi), dệt nên bằng những quang minh thô kệch nhất. Thực ra, thì mỗi ảnh-tượng kiên cố ấy là riêng biệt của mỗi người, nhưng vì vọng tưởng TƯƠNG TỢ, quang minh tương tợ, ảnh tượng tương tợ do sự chiêu cảm của cộng-nghiệp..., nên khi 2 người nhìn trái núi thì 2 ảnh tượng ấy chập chùng xen-lẫn-lồng-vào-nhau, khiến 2 người có cảm tưởng như chỉ có một trái núi cố định, có xứ sở nhất định, tồn tại độc lập khách quan riêng biệt với cái màn thiên-la-võng quang minh tâm thức của mình.
Rồi trong lúc đó, khi cùng đứng nhìn cái đám-hội-tụ óng ánh của các Trần do Thức biến (tức trái núi) ấy, thì ý-thức của mỗi người lại dùng một quang minh dung-thông để dệt nên 1 ảnh-tượng thức giác độc đáo. Rồi khoác cái ảnh-tượng đó lên Đám-trần kia, rồi cũng gọi nó là trái núi. Và cả 2, cũng như hầu hết những người khác, đều đinh ninh yên chí rằng nó là thực, và tồn tại độc lập. Và nếu không có Kinh soi sáng, ít có mấy ai có thể nghĩ rằng đó chỉ là ảnh tượng do Thức biến.
Nhưng rồi 2 ông A và B chia tay, mỗi người đi một ngả, nhưng cùng đi men giòng sông... Đi một quảng xa, nếu hai người cùng quay đầu nhìn lại trái núi, thì trái núi vẫn lừng lững, như là chỉ có MỘT.
Nhưng nếu 2 người không quay đầu nhìn lại, mà chỉ nhìn xuống dòng sông, thì mỗi người lại nhìn thấy một ảnh-tượng riêng biệt về trái núi. Và như thế là HAI ảnh tượng... Sở dĩ như vậy, là vì những quang minh của con mắt đã phải xen- lẫn giao- thoa với những quang minh phát ra bởi Đám-trần-cảnh qua một LỚP LƯU NGẠI là giòng nước. Và lớp lưu-ngại này đã làm LÓE lên thành 2 ảnh tượng.
Thông thường thì chúng ta cho rằng ảnh-tượng dưới giòng sông là HƯ, còn trái núi là THỰC. Nhưng thực ra, thì cả 2 đều là HƯ ẢNH, chỉ khác nhau ở mức độ vọng-hiện mà thôi.
Ông A thì đi về nhà, và nhà cũng gần núi... Khi ông ta ở trong nhà, nhưng tưởng nhớ đến trái núi, thì ý – thức của ông chỉ có thể làm phát hiện nên một ảnh-tượng lờ mờ về trái núi, dệt bằng những quang minh dung thông... Nhưng nếu ông ta đi ra đầu ngõ, và ngẩng nhìn trái núi ở xa, thì những quang minh hư-minh cùng kiên-cố của nhãn căn lại có đủ cơ-duyên để HIỆN-HÀNH. Và sự hiện hành này lại chiêu cảm sự chuyển-hiện của Tướng-phần, khiến nó làm phát hiện đầy đủ những quang minh TƯƠNG ƯNG. Và trái núi lại xuất hiện rõ rệt lồ lộ.
Còn ông B thì sau đó, bỏ đi buôn bán ở 1 xứ xa. Đôi khi, ngồi nhớ tưởng lại trái núi, thì chỉ thấy phát hiện lên 1 ảnh tượng dung-thông lờ mờ... bận bịu công việc làm ăn lâu ngày rồi không nghĩ tới trái núi nữa, QUÊN hẳn mất trái núi trong một thời gian.
QUÊN trái núi nghĩa là gì? Nghĩa là: do sự xao lãng không chú tâm tác-ý nữa, thì những quang minh dung thông của ý-thức mờ nhạt dần đi, không kết-tụ lại thành 1 ảnh-tượng lờ mờ để xuất hiện trước trí tưởng-tượng của ông B nữa... Như ảnh-tượng trái núi không phải là hoàn toàn mất hẳn đối với tâm thức ông B. Vì tuy những quang minh dung thông của ý-thức mờ đi, song vẫn còn 1 thứ ảnh-tượng khác, dệt bằng những quang minh HƯ VÔ VI-TẾ của Tàng thức ông B.
Là vì Tàng thức của chúng ta là 1 màn thiên-la-võng quang minh chu biến khắp pháp-giới. Từ những vật đã từng nhìn thấy trong kiếp này, cho đến những vật hay chúng sanh chưa từng nhìn thấy hoặc gặp gỡ trong kiếp này, tỷ dụ như những chúng sanh ở 1 cõi hay 1 hành tinh xa xăm... Và cũng bởi vì có dính mắc dung thông khắp cả, nên một Đại Bồ tát không thể nào bỏ chúng sanh được. Bởi lẽ rằng nếu bỏ MỘT chúng sanh, thì sự thành tựu của chính Đại Bồ tát cũng chưa thể viên mãn được...
Cho nên, khi ông B quên trái núi, thì cái ảnh tượng hư-vô-vi-tế liền rời bỏ bình diện ý-thức, và RƠI CHÌM vào Tàng thức... Nhưng rồi trải qua 1 thời, việc buôn bán lâu ngày bỗng thấy nhọc nhằn trắc trở, ông B bỗng động lòng nhớ tới quê cũ cùng trái núi. Sự nhớ tưởng khắc khoải của ông lại khiến cho các quang minh dung thông của ý-thức hiện hành mạnh mẽ. Sự hiện hành lần lần rung chuyển CHẬM LẠI. Và ảnh-tượng NỔI lên bình diện ý-thức, kết hợp với những quang minh dung thông để làm phát hiện ảnh-tượng của trí tưởng nhớ... Như thế là ông B NHỚ lại trái núi.
Cơ cấu của sự Quên-nhớ-nhớ-quên là như vậy. Tỷ dụ như trước đây 10 năm, ta gặp 1 người và biết tên người đó. Rồi bằng quên đi. Đến nay gặp lại, nhận ra mặt mà không thể nhớ lại được cái tên... Trong lúc phân vân nghĩ ngợi, thì sự tác-ý của ý-thức khiến những quang minh của nó hiện hành mạnh mẽ, để mong chiêu dụ nhưng quang minh vi tế của Tàng thức chuyển động chậm lại, và làm nổi lên cái âm thanh của tên gọi đã lãng chìm trong đó. Và nếu những âm-hưởng (ré sonance) chiêu dụ đạt tới đúng mức, thì ta sẽ nhớ lại...
Vì nhớ quê cùng trái núi, nên ông B lên đường trể vể. Khi về đến xử sở cùng trái núi, thì những quang minh hư-minh cùng kiên-cố của 5 thức trước lại có đủ cơ duyên để hiện hành mạnh mẽ. Và sự hiện hành này lại chiue6 cảm sự chuyển-hiện tương-ưng của Tướng-phần, và trái núi lại xuất hiện rõ rệt lồ lộ.
Nhưng nếu tỷ dụ như trong khi ở xa xứ, ông B không phải là 1 khách thương, mà là 1 hành giả có sức quán chiếu cao độ... Thì ông chẳng cần phải nhìn thấy trái núi, chỉ cần dùng định lực quán chiếu, kết tập những quang minh dung thông thành 1 ảnh tượng Định-quả-sắc về trái núi, rõ rệt lồ lộ... Hoặc cao hơn nữa, ông có thể quán chiếu tiêu trừ Sắc-thọ-tưởng-han-ấm, rồi lọt vào Tàng thức.Và mở được Tâm nhãn. Và như thế, thì vẫn nhìn thấy rõ rệt trái núi, vì quang minh vi-tế của Tàng thức vẫn chi biến và dung thông với mọi vật... Và mở được Tâm nhãn có nghĩa là: không cần dùng đến phù-trần-căn, không dùng đến những quang minh dung thông hay hư-minh hay kiên-cố... mà vẫn thấy-nghe-hay-biết rõ rệt và xa hơn người thường.
Đối với tâm thức 1 chúng sanh, các sự vật đều thường hư vọng ẨN HIỆN như vậy... Cho nên, trong kinh Lăng Nghiêm, trang 365, Phật mới dạy rằng: “Ấy những hình tướng hư vọng của các sự vật, nó cứ uyển-chuyển quanh lộn như vậy, không thể lấy gì làm bằng cứ...”
Để thành tựu thêm 1 phần nữa cái nhãn quang của chúng ta về LẼ ẤN HIỆN UYỂN CHUYỂN trong cái Vòng Thức biến, thiết tưởng nên đặt thêm mấy câu hỏi sau đây:
5-HỘI NGỘ cùng CHIA LY là gì? Gặp nhau là như thế nào? #
Chúng ta sống ở đời thường hay đau khổ vì sầu Chia-ly, và vui mừng hớn hở mỗi khi hội ngộ trùng phùng. Nhưng nếu nhìn theo Tuệ nhãn của nhà Phật thì hội-ngộ hay chia-ly là gì?
Hãy lấy tỷ dụ 2 người bạn, ông A và ông B. Cả 2 cùng là người Việt Nam, ông B hơn ông A vài tuổi, nhưng trong khoảng suốt đời ở Việt Nam thì không hề gặp nhau. Mãi tới gần 60 tuổi rồi, mới cùng di cư sang Hoa Kỳ, rồi gặp nhau giao lưu đàm luận, rồi kết bạn đồng tu. Cùng tụng kinh A Di Đà và kinh Lăng Nghiêm, và đều hồi hướng để xin vãng sanh Cực lạc.
Vậy thì trong cái màn Huyễn-hiện của pháp giới này, như thế thì là thế nào?
Có thể nói rằng: trong cái màn huyễn-hiện ấy, cả 2 A và B, cũng như mọi sự vật khác, đều là những cơn lốc quang minh, xoay tròn và di động do sức hành của Nghiệp,cũng lãng đãng ở nơi Chân-không, rồi đến kiếp này cùng chuyển-hiện khởi lên thành 1 hình-tướng, gặp gỡ giao du 1 thời gian tức là trao đổi với nhau 1 số làn –sóng quang minh, rồi sau đây ít năm, lại cùng lần lượt biến đi, chuyển sang 1 hình thái hay hình-tướng, gặp gỡ giao du 1 thời gian tức là trao đổi với nhau 1 số làn sóng quang minh, rồi sau đây ít năm, lại cùng lần lượt biến đi, chuyển sang 1 hình thái hay hình-tướng khác...
Cả 2 đều do thức biến, chiêu cảm bởi những chủng-tử Nghiệp-lực để hội tụ hay làm phát xuất các thứ quang minh... Trong cái màn tương-sanh-tương-duyên, thì cả 2, cũng như mọi sự vật khác, đều chẳng phải là một, cũng chẳng phải khác.
Chẳng phải một là vì mỗi người kết-tụ những vọng-tưởng kiên-cố thành 1 hình tướng khác nhau, kết tụ những vọng-tưởng hư minh hoặc dung thông thành những cảm thọ hoặc tâm tưởng khác nhau... rồi có những hoạt dụng khác nhau, như ông B thì làm chủ nhà in còn ông A thì làm giáo sư. Rồi mỗi người đều lấy vợ đẻ con, giàu nghèo tùy theo nghiệp lực riêng biệt.
Nhưng cũng chẳng phải là khác. Vì sao? ... vì cả 2, cũng như các sự vật khác, đều cùng KHỞI lên từ cái Biển Diệu tâm ấy, và cùng đều DÍNH MẮC luôn luôn với nhau bởi cái màn thiên-la-võng quang minh hư-vô-vi-tế chu biến khắp giáp của cái Hiện-thức Sơ năng biến của Tàng thức. Do đó, ông A luông luôn hiện hữu ở nơi tâm thức hay Tàng thức của ông B, và ngược lại cũng vậy... Ông B ra đời thành hình tướng người trước, trong khi ông A có lẽ còn lãng đãng ở một nơi hay cõi nào khác. Nhưng ngay lúc đó, cả 2 đều dính mắc do cái màn quang minh hư vô vi-tế.
Tới khi cả 2 cùng ra đời, rồi cùng lớn lên, và trong 60 năm không hề GẶP NHAU, và cũng không hề nghe nói tới nhau.
Không hề GẶP NHAU nghĩa là gì?
Nghĩa là: tuy vẫn hàm chứa trong Tàng-thức cái ảnh-tượng về nhau DỆT bằng những quang minh hư-vô-vi-tế, nhưng họ chưa có CƠ DUYÊN để khiến cho những quang minh kiên-cố, hư-minh, dung-thông của 6 thức trước có thể HIỆN HÀNH mạnh mẽ, tạo dựng thêm những ảnh-tượng hoặc tâm-sở bổ xung, để bồi đắp tô-điểm thêm cho cái ảnh-tượng vi-tế kia trở thành rõ rệt lồ lộ.
Tới khi cùng di cư sang Hoa Kỳ, thì mỗi người ở một miền biển... Nhưng 1 ngày nào đó, 1 bài báo viết về Kinh Lăng Nghiêm bởi ông A và đăng trên báo, đã lãng đãng bay từ miền Tây sang miền Đông, và lọt vào tay ông B... Ông B đọc và thấy xúc-động.
Như thế là: qua hình tướng của bài báo, những quang minh dung-thông của bài báo, những quang minh dung-thông của ý-thức ông A đã được PHỔ vào đó, rồi bay tới GIAO THOA với những quang minh dung-thông của tâm thức ông B... Ông B xúc-động, bèn sinh hảo cảm, tức là làm phát xuất một luồng quang minh hư-minh, rồi nảy sinh ý-muốn đi sang miền Tây, tìm gặp ông A.
Khi gặp nhau rồi, thì tất cả mọi tầng lớp quang minh, từ kiên cố đến hư-vô vi-tế, đều hiện hành mạnh mẽ... ngày càng ăn sâu vào tâm thức đôi bên... Và 2 người kết thành bạn đồng tu, luôn luôn gặp gỡ đàm luận khuyến tấn.
Tỷ dụ như trong ít năm nữa, một trong 2 người mạng chung trước. Và đó là CHIA LY... Nhưng chia-ly chỉ có nghĩa là: cái hình-tướng thô kệch dệt bằng những quang minh kiên cố bị tan rã, những tâm-sở dệt bằng những quang minh cùng dung thông cũng mờ nhạt lần lần. Nhưng vẫn còn cái ảnh-tượng dệt bằng quang minh hư-vô-vi-tế lần lần chìm vào Tàng thức.
Nhưng nếu người chết trước được vãng sanh Cực lạc, hoặc thọ sanh làm 1 quỷ thần oai đức, rồi trở lại BÁO MỘNG cho người kia, thì lúc đó, cái ảnh-tượng dệt bằng quang minh dung-thông lại xuất hiện lồ lộ trong mộng.
Hội-ngộ và Chia-ly chỉ là như vậy...
6. MỘNG là gì? #
Để làm sáng tỏ thêm lẽ Ấn-Hiện của sự vật, thiết tưởng cần nói thêm mấy câu về Mộng.
Chúng ta ai nấy đều thường có những mộng-mị, và trôi nổi theo cuộc sống, ta cũng thường lười biếng không muốn suy ngẫm tới, và rồi lãng quên đi... Nhưng thực ra, MỘNG là một vấn đề lớn nếu chúng ta muốn hiểu về cơ cấu nhận thức của con người. Và đó cũng là 1 cửa ngõ (tuy cửa ngõ còn xa vời) hé-mở để đi vào Diệu tâm.
Do đó, nên các nhà luận-sư kia cũng bàn cãi rất nhiều về mộng, và Đại trí độ luận cũng nói đến mộng... Bộ Tân ước cùng Cưu-ước của Thiên-chúa giáo cũng luôn luôn được điểm xuyết bằng những giấc mộng của Joseph tức là người cha nhân thế của Chúa Ki-Tô. Những bộ Áo-nghĩa-thư (Upanishads) của Bà la môn giáo cũng hay nhắc tới trạng thái mộng cùng trạng thái Thức... Và hiện nay, cả người Mỹ lẫn người Nga cũng đã đều dựng lập mấy trung-tâm nghiên cứu về những hiện tượng ngủ và Mộng.
Nhưng ở đây, chỉ cần nói sơ lược về đại ý.
Thông thường, chúng ta đều chạy theo cuộc sống và trôi theo sức Nghiệp của những vọng-tưởng kiên-cố, nên ta hay coi những cảnh-giới của mộng HƯ, và đinh ninh rằng những cái trông thấy ở trạng thái Thức là THẬT.
Nhưng thực ra, nếu suy ngẫm kỹ và nương theo Tuệ-nhãn của nhà Phật, thì Mộng cũng chẳng phải là hoàn toàn HƯ, và Thức cũng chẳng phải hoàn toàn THẬT.
Tại sao vậy?
Là vì nếu mộng là hoàn toàn hư, thì tại sao lại có những cơn mộng báo trước 1 cách khá chính xác những việc sắp xảy ra. Tỷ dụ như 1 tai nạn xảy ra vài ngày sau, hoặc cái chết hay bịnh nặng của 1 người thân ở xa?!?... Sở dĩ có như vậy được là vì những sự việc sắp xảy ra, sắp LÓE NỞ ra ở bình diện những quang minh Kiên-cố, thường bao giờ cũng được ÁNH ra trước (projecter) trên những bình diện quang minh vi-tế hơn. Và ở mỗi 1 bình diện quang minh, thì sự chuyển hiện của Không-Thời gian cũng đều có sự khác biệt... Do đó, nên kẻ hành giả tu hành lọt vào những bình-diện vi-tế, mới có thể có những khả năng kỳ đặc (thần thông hay siddhis) khác với người thường.
Là vì cảnh giới Mộng hay cảnh giới Thức cũng đều chỉ là những Hư-ảnh do nghiệp lực chiêu cảm làm LÓE lên, cũng đều là huyễn-mộng cả. Chỉ khác nhau ở mức-độ huyễn-hiện hay vọng-hóa mà thôi.
Là vì cảnh mộng mị thường là được dệt nên bởi những quang minh của lạc-tạ-ảnh-tử, những quang minh dung-thông hoặc hư-minh của suy-tưởng và cảm-thọ… Trong khi những cảnh giới Thức thường cũng được dệt nên bởi các nét chấm phá SÂU ĐẬM của các thứ quang minh thô-kệch kiên-cố được hiện-khởi lên do Biệt-nghiệp và Cộng-nghiệp. Do đó, chúng xuất hiện rõ rệt lồ lộ trước cả 6 thức, và ta dễ coi chúng là THẬT.
Trên đại lược, mộng hay mị có thể xuất hiện trong giấc ngủ của ta, từ nhiều phía:
-Từ 5 thức trước: tức là từ những cảm thọ mơ hồ của 5 thức này.
Tỷ dụ như khi ta ngủ trong 1 căn phòng oi bức, thì có thể chiêm bao thấy mình đương đi qua 1 bãi sa mạc. Hoặc khi Hỏa-đại trong cơ thể bốc lên bừng bừng, có thể mơ thấy mình đương bay.
Những vụ đó thường được gọi là mị, tức là vẫn vơ, không hay ho gì mấy.
-
Hoặc từ ý-thức: tức là do sự nhớ-tưởng vẩn vơ, nên tạo dựng nên những bóng dáng lạc-tạ-ảnh-tử.
-
Hoặc từ những ẩn-ức lo sợ mong cầu, nổi lên từ nơi u-ẩn của Hành-ấm, tức là từ Mạt na thức chấp ngã… Những điềm mộng này thường kỳ dị sâu xa hơn, đôi khi ứng nghiệm chân xác..Tỷ dụ như khi có 1 người thân ở xa và lâm bệnh nặng, thì sự lo ngại thấp thỏm trong tiềm-thức có thể tạo dựng 1 màn quang minh truyền cảm đi xa. Và tỷ dụ như người ấy chết, thì có thể là có điềm mộng báo cho biết…
-
Hoặc từ bình diện mịt mùng chu biến hư-vô-vi-tế của Tàng thức, mà nổi lên những giấc mộng. Những giấc mộng này thường là những tia-nhìn (apercu hay glimpse) trực-giác thâm mật sâu sa vào những cảnh-giới mông lung siêu xuất nhất của thế giới vô sai biệt, tức là những visions. Nên kẻ phàm phu chúng ta đều chưa thể có những mộng ấy được. Phải là những kẻ tu hành khá cao, thân tâm hầu như thanh tịnh, ngã-chấp đã tiêu trừ gần hết, lọt vào Tàng thức, thì trong giấc ngủ, lãng đãng mới có thể có những vision này.
Trong những giấc mộng này, kẻ hành giả có thể có những tia-nhìn trực giác lãng đãng mới có thể có những tia-nhìn trực giác lãng đãng, siêu xuất Không-Thời gian cùng sự nhận thức thông thường. Tỷ dụ như: nhìn thấy những sự việc của kiếp trước, hoặc những việc sẽ xảy ra ở 1 tương lai tương đối xa vời hoặc trực nhận thấy Vật và Tâm đều là Nhất-như (Oneness), hoặc mình với pháp giới là một, hoặc thấy sự thành-trụ-hoại-không của một vài cõi, hoặc thấy rõ tính cách huyễn-mộng (Maya) của pháp giới, thấy các cõi nổi lên như những áng-mây rồi lại tàn lụi rụng đi như những chiếc lá..Hoặc thấy sự không-ngằn-mé của các cõi….
Trong những bộ Đại luận của nhà Phật, cũng có nói vài điềm mộng của bậc Đại Bồ tát, tỷ dụ như: mộng thấy mình nằm gối đầu vào núi tu di, còn tay phải khuấy biển nam. Hoặc mộng thấy có cỏ cát tường kiên cố từ nơi rốn mọc lên rồi khắp giáp che cả hư-không..Hoặc thấy các loài chim nhiều màu từ 4 phương bay lại rồi chui cả vào thân mình… Hoặc thấy mình đi trên những phân-uế mà không bị ô nhiễm…
- Hoặc là do những thần linh lớn hay quỷ thần nhỏ tác động vào tâm thức của kẻ nằm mộng, chiêu cảm bởi sự cầu nguyện hay mong cầu lo lắng của kẻ đó.
Trên đại lược, mộng-mị là như vậy. Thực ra, sự xuất hiện của mộng có nhiều ngõ ngách quanh co khúc khuỷu, nói ra thì quá dài.
Trong Kinh Đại Bát Nhã, ngài Xá Lợi Phất có đặt một câu hỏi về mộng, là: Kẻ nằm mộng có tạo Nghiệp không: Tỷ dụ như khi nằm mộng thấy mình GIẾT người, thì có tạo nghiệp không?
Nương theo giáo lý nhà Phật, có thể trả lời rằng: mọi hành vi tạo tác cũng như tâm niệm, trên nguyên tắc, đều tạo nghiệp hết. Nhưng cần nhớ rằng phước báo hay công đức, hay nghiệp báo, đều không phải là khư khư cố định, đều là do Tâm biến hiện, nên các thứ đó đều chuyển hiện, biến-hiện Có thể tăng hay giảm, nặng hay nhẹ đi… Ăn thua là ở trạng thái tâm thức tiếp theo sau khi tạo nghiệp. Nếu biết ăn năn hối hận hoặc phá-lồ xám hối thành khẩn thì nghiệp sẽ nhẹ đi,. Tỷ dụ như vua A Xà Thế, tạo nghiệp giết cha, nhưng rồi biết ăn năn xám hối khóc than ngày đêm, nên chỉ bị hiện tướng địa-ngục trong 1 thời gian, rồi lại rũ được nghiệp, như trong kinh Đại Bát Niết Bàn có nói.
Hoặc nếu cao hơn nữa, quán chiếu nổi Vô sanh diệu quán được đúng mức thì nghiệp nào cũng tiêu ta.
Nhưng nếu trái lại, sau khi tạo nghiệp rồi, kẻ ngu lại lấy làm đắc ý vênh vang, hớn hở vui mừng, thì nghiệp lại biến hiện NẶNG thêm. Và nghiệp nhỏ vẫn đưa đến quả báo nặng, cũng có thể đọa địa ngục.
Lẽ biến-hiện của Tự-tâm là như vậy… Cho nên, kinh Đại Bát Niết Bàn dạy: “ Kẻ trí có thể chuyển nghiệp nặng thành quả báo nhẹ, còn kẻ ngu thường hay chuyển những nghiệp nhẹ thành quả báo nặng. Tương tự như 1 cây kim nhỏ, tuy nhẹ nhưng bỏ xuống nước vẫn chìm nghỉm. Trong khi 1 chiếc thuyền lớn, tuy rất nặng, nhưng vẫn nổi và đi qua biển lớn…” Vậy thì cần phải biết chuyển nghiệp, tức là biết cách biến-hiện những nghiệp cùng công đức của mình…
Vậy thì nếu trở lại mộng, nằm mộng thì cũng vẫn tạo nghiệp. Tỷ dụ như nằm mộng thấy mình giết người, thì vẫn tạo nghiệp… Nhưng đó chỉ là tạo nghiệp trên ý mà thôi, nghiệp chưa đến thân… Nếu người đó tỉnh dậy rồi quên đi, chẳng nghĩ gì cả, thì nghiệp vẫn ở ý, và là nhẹ. Nếu người đó tỉnh dậy, nghĩ nhớ và ăn năn hối hận mạnh mẽ, thì nghiệp-báo lại nhẹ hơn nữa. Nếu trái lại, khi tỉnh dậy, nhớ lại rồi đắc ý vui mừng hớn hở, thì nghiệp-báo trở thành nặng, và có thể đi vào thân-nghiệp.
Tóm lại, sự hiến hiện của Nghiệp-báo rất là mông lúc khúc khuỷu, và chỉ có Phật mới đủ nhãn lực để nhìn rõ các thứ nghiệp báo của chúng sanh. Đại Bồ tát ở đệ-thập địa cũng chưa nhìn rõ được hết.
7-CÁI Ô-TÔ, hay TÀU BAY có DUY THỨC, có DO THỨC BIẾN không? #
Chúng ta hiện sống giữa 1 thời đại cực cơ khí, trong đó máy móc thường nghiền nát tâm thức con người, khiến tâm thức nhiều khi bị lạc lõng, hoài nghi không hiểu rằng con người có còn 1 chút giá trị gì không? Nên khi đọc giáo lý nhà Phật để tìm cái nguồn sống nguyên sơ của mình, rồi đọc đến Duy thức học, đến cái Vòng huyễn-hiện của Thức biến… rồi lại nhìn chiếc ô tô đương chạy vù vù, do đó nhiều người thường băn khoăn tự hỏi: “Đành rằng những sự vật thiên nhiên thì có thể là do những quang minh của vọng tượng xoay vần miên viễn rồi cô đọng lại và kết tập nên những ảnh tượng ấy… Nhưng còn chiếc ô tô hay máy bay đương chạy hay bay vù vù kia… thì làm sao có thể bảo là Thức biến được?!!”
Ấy thế mà vẫn là do Thức biến… Nếu ta suy ngẫm kỹ độ vài ngày hay vài năm về điểm này, đem trí huệ gột bỏ những mặc cảm kiến chấp để phân tích về cái ô tô, thì lần lần sẽ thấy rằng cái ô tô ấy cũng chỉ có thể là Thức biến, và không thể khác được… Có điều là so với sự vật thiên nhiên như trái núi, giòng sông, cái ô tô được tạo dựng nên bởi sự chồng chất thêm nhiều tầng vọng-thức nữa… Là vì xét cho kỹ, thì tất cả mọi sự hoạt động hay chế biến LĂNG XĂNG ngang dọc của con người, hay của 1 loài chúng sanh khác, cũng đều chỉ là sự chồng chất chằng chịt những tầng vọng-thức để đạt tới một hiệu-năng (efficience) nào đó mà thôi. Mà hiệu-năng thì chưa phải là Chân lý, chưa soi sáng được cỗi nguồn của sự vật….
Do đó nên các giáo lý, nhất là giáo lý nhà Phật…, mặc dù nhiều phen chìm nổi do cái tâm cơ đa đoan khúc mắc của con người, vẫn cứ tiếp tục tồn tại hoài hoài để soi sáng về Cỗi nguồn sự vật.
Thực ra, thì cái ô tô, hay máy bay, hay tàu ngầm nguyên tử, hay đĩa UFO chăng nữa..cũng có gì là lạ đâu?! Dù con người có chế tạo đến cái gì chăng nữa, thì khoa học cũng chẳng thể đi ra khỏi được Lời Kinh xưa. Cũng tương tự như xưa kia, Tôn ngộ không đi hoài trong bàn tay Phật Tổ Như Lai, hay ngài Thiện Tài đi hoài đi hủy trong lỗ chân lông của ngài Phổ Hiền, mà vẫn chẳng thoát ra khỏi… Trái lại, những khám phá mới của khoa vật lý học ngày nay lại bắt buộc những nhà khoa học phải trở lại những chiều hướng đã được giảng dạy bởi lời kinh xưa. Chỉ là vì đó mới là Chân lý rốt ráo.
Cái ô tô được kết tập nên bằng gì? Bằng những mảnh sắt.
Mảnh sắt được cấu tạo bằng gì? Bằng sự hội tụ của vô lượng nhân duyên, tức là những cái tạm gọi là cực-vi hay vi-trần của sắt.
Cực-vi hay vi-trần ấy là cái gì?..Đến kích-độ ấy, thì chúng đâu có thể coi là vật được nữa, đâu có thể gọi là vật?!? Cũng không có thể quyết định là lượng-tử hay là ba-động (corpuscule hay onde). Vì chúng chỉ là những ÁNH BIẾN HIỆN óng ánh của quang minh, lúc ẩn lcu1 hiện, lúc tụ lúc tán. Tụ thì hiện hình tướng, tán thì tiêu dung vào chốn mịt mùng vô tướng mạo.
Còn quang minh là gì? Quang mình là sự hiện tướng của tâm thức, của Thức biến, của Diệu tâm… Trong tất cả pháp giới này, chỉ có MỘT cái đó là nguồn Tinh-lực-uyên-nguyên và duy nhất mà thôi. Ngoài ra, tất cả những nguồn năng lượng (energie) khác mà khoa học tìm ra như than đá, dầu hỏa, điện-khí , ánh nắng mặt trời, hay nguyên-tử-lực… cũng chỉ là những nguyên nhân tạm bợ và huyễn hiện do nghiệp-lực loài người chiêu cảm mà thôi.
Vậy thì những mảnh sắt ấy đã lọt vào bàn tay của người, với bộ óc so đo phân biệt. Bộ óc này không thể hiểu nổi cái bản-lai-diện-mục của mảnh sắt là gì, nên đành tìm cách sử-dụng nó vậy… Con người bèn khởi lên nhiều vọng-niệm liên tiếp chồng chất, để cắt xén, giáp nối, đúc kết… những mảnh sắt lại thành 1 hình thù ô-tô. Rồi nhét vào đó 1 ít dầu lửa Thức biến, làm phụt lên 1 ngọn lửa điện-khí cũng là do quang minh Thức biến, ngọn lửa bèn đốt cháy tiêu dụng chất dầu hỏa để biến-hiện thành một sức-ép đẩy đi đẩy lại chiếc piston, truyền vào chiếc bánh xoay tròn. Và chiếc xe chạy vù vù, chở người và chở ngựa.
Nhưng thực ra, tất cả cái màn huyễn-hiện ấy có gì là THẬT TÁNH đâu, chỉ là huyễn-hiện của Thức biến, như Kinh Lăng Nghiêm đã dạy… Chúng ta nhìn chiếc xe chạy vù vù như thế, thì không thể không THẬT được.
Xong nghĩ kỹ ra, thì ngay sự chuyển động-vù-vù của nó cũng KHÔNG THẬT KHÔNG HƯ, cũng chỉ là một ảo giác, một vọng tưởng của chính ta mà thôi… Vì trong tất cả pháp-giới này, bất cứ cái gì, từ cực tiểu đến cực đại, cũng đều lay động rung chuyển cả. Và nếu cái gì cũng lay-động , thì làm sao lai có thể có sự chuyển-động THẬT SỰ được?!? Bởi vậy, nên trong cái màn huyễn-hiện của Thức biến (trame fantasmagorique), chỉ có sự đổi-thay-chuyển-hiện (change) làm huyễn hiện nên sự chuyển động, chứ không hề có sự chuyền động thật sự.
Đến đây, thiết tưởng cần nhắc qua tới những dữ-kiện hoặc khám phá mới của nền tâm-linh học hiện đại. Những dữ kiện này đều được nói tới trong cuốn “Psychi discoveries behinhd the Iron curtain” chúng đã khiến các nhà khoa học boăn khoăn không ít, và đều chứng minh những điều giảng dạy bởi lời kinh xưa.
Xin lược kể sau đây:
a)-Phương thức chụp hình Kirlian: (Kirlian photographie):
Một nhà bác học người Nga, tên Kirlian, đã tìm a một phương thức chụp hình người và các vật, người hay vật đều được đặt vào trong 1 điện-từ-trường (champ electro-magnetique) có tần-số cao (haute frequence).
Khi chụp hình người, thì thấy thân thể người đều tỏa ra 1 vầng ánh hào quang (aura), khá rực rỡ lấp lánh đầy tia sáng, tương tự như 1 cảnh tượng mặt trời mọc tại miền Bắc cực.
Khi chụp hình 1 chiếc lá còn tươi tốt cũng thấy tỏa ra những tia sáng lấp lánh, tương tự như những ngọn đèn của 1 thành phố ban đêm. Khi chụp 1 chiếc lá khô, thì thấy những tia sáng vẫn tỏa ra, nhưng mờ nhạt hẳn đi.
Chụp những đồng tiền đúc bằng kim khí, hay các vật khác, cũng thấy tương tự như vậy…
Điều đó chứng tỏ pháp giới này đều được dệt nên bằng quang minh, như Kinh Phật đã giảng dạy… Có điều là những vầng aura ấy, thì mắt ta chưa thể nhìn thấy được. Và so với vầng hào quang của chư Đại Bồ Tát, thì hào quang của người tối đen và ngắn ngủi, và con người cũng chưa biết cách thanh tịnh hóa cùng sử dụng vầng hào quang ấy..Như trong kinh Đại định Thủ Lăng Nghiêm có nói: khi một Đại Bồ Tát nhập Thủ Lăng Nghiêm tam muội và phóng hào quang sáng lạn rực rỡ vô ngần, thì các vầng hào quang đẹp đẽ của các vị vua trời trở thành tối đen như đống mực…
Ngoài ra, tuy chụp thấy như vậy, nhưng các nhà bác học vẫn chưa có thể hiểu rằng tất cả những màn lười quang minh chằng chịt ấy đều phát xuất ra từ nơi tâm thức của các chúng sanh từ thời vô thủy, và do nghiệp lực chiêu cảm.
b)-Hiện nay, khi nghiên cứu về trạng thái NGỦ và MỘNG, các nhà bác học thường gắn vào những khu não bộ của 1 người đang ngủ… Và họ nhận thấy rằng não bộ luôn luôn phát ra những làn sóng điện (brain waves), tức quang minh.
Nhưng họ vẫn chưa có thể hiểu rằng não-bộ cũng chỉ là 1 bộ phận, 1 CĂN thô phù mà thôi. Và cái cỗi nguồn thật sự làm phát xuất những luồng quang minh ấy chính là cái Thấy-nghe-hay-biết Hư-minh le lói của con người, và dính mắt với Diệu tâm.
c)-Một viên cảnh sát trưởng người Mỹ, đi truy lùng 1 tội phạm, tới 1 bãi đậu xe để tìm kiếm. Nhưng chiếc xe của tội phạm đã rời khỏi nơi đó mất rồi… Ông bèn lấy 1 máy chụp hình sử dụng ánh sáng infra-rouge để chụp nơi chỗ đậu xe bỏ trống. Và trên tấm hình HIỆN ra bảng số xe của kẻ tội phạm.
điều này chứng tỏ rằng sự vật đều được dệt nên bằng quang minh. Và khi vật rời đi nơi khác, vẫn còn lưu lại trên môi trường hư-không 1 ảnh-tượng dệt nên bằng những thứ quang minh mà mắt người không nhìn thấy.
d)-NHÌN mà không cần mắt: (Eyesless sight):
Tại 1 tiểu bang Nga, có 1 người con gái tên là Rosa trạc ngoài 20 tuổi, nhưng bị mù từ năm lên một. Lớn lên, cô ngồi buồn, thường lấy tay rờ mó các thứ đồ vật cùng sách báo, và trong lúc miên man rờ mó, cô CHÚ TÂM LẶNG Ý mong cầu muốn BIẾT những màu sắc cùng chữ nghĩa. Cô cứ làm hoài như vậy trong 6 năm trời. Rồi lần lần, cô biết được các màu sắc, và đọc được các thức chữ trong sách báo, như 1 người có mắt sáng.
Các nhà bác học đổ xô lại để trắc nghiệm cô ta. Nhưng đều phải nhận rằng Rosa đọc sách bằng tay, như một người mắt sáng… Họ bèn gọi cái hiện tượng kỳ lạ: đọc bằng tay ấy là Dermo-optic, và đương nghiên cứu một cách training để dạy cho những người mù khác.
Nhưng trong kinh Lăng Nghiêm, từ xưa rồi, Phật đã dạy rằng: con người ta nếu biết tu tập, thì không cần đến phù-trần-căn như mắt hay tai, vẫn có thể nhìn thấy hay nghe thấy. Như ngài A-nậu-luật-đà, bị hư cả 2 mắt, mà vẫn nhìn thấy rõ và xa hơn người thường rất nhiều.
Ngài vốn là 1 tỳ-kheo nhưng hay ngủ nhiều. Phật quở ngài là đồ súc sanh ham ngủ. Ngài buồn tủi, khóc hoài nên hư cả 2 mắt. Phật bèn dạy ngài phép tu Lạc-chiếu-minh tam muội… Ngài tu trong ít lâu, bèn đắc quả, và không cần đến đôi mắt, vẫn nhìn thấy rõng suốt mười phương 1 cách tinh tường như nhìn 1 quả cây đặt trong lòng bàn tay….”
Phép Lạc kiến chiếu minh tam muội là 1 pháp môn tu tập thiền quán. Kẻ hành giả ngồi bán già hoặc kiết già, giữ hơi thở nhẹ nhàng đều đặn, rồi lần lần tập trung tâm ý để quán chiếu nơi điểm ở giữa-chặng-mày, tức là nơi tướng bạch hào của Phật có 5 chòm lông xoáy về phía hữu. Tập trung lần lần sẽ nhận thấy như những luồng quang minh tâm lực dồn về nơi điểm đó. Tu tập tới mức thuần thục cao độ, thì sẽ thấy mình quên hết hình hài quên ý-thức, lọt dần vào Tàng thức. Lúc đó, tâm-ý của hành giả sẽ nhập một với điểm giữa-chặng-mày, trở thành 1 khối bảo giác-viên-dung, tỏa ra 1 màng quang minh cực kỳ vi tế, chu biến và soi thấu 10 phương… Vì nơi đó có thể là cơ-sở, là 1 thứ phù-trần-căn của Tàng Thức, của thiên nhãn và huệ nhãn. Do đó, nên không cần đến mắt, vẫn nhìn rõ và xa hơn người thường rất nhiều. điều này tuy không được nói rõ trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, nhưng có thể suy diễn ra từ những kinh sách khác dạy về thiền quán.
Trường hợp của Rosa không phải là như vậy. Cô ta là 1 người ở kiếp này không hề biết thiền quán. Nhưng chắc rằng đã có những kiếp tu tập thiền quán, nên đến kiếp này sanh ra, đã có sẵn những khả năng định-lực. Đến lúc nghiệp báo nở ra bị mù, rồi lớn lên, cả ngày ngồi MIÊN MAN rờ mó, chú tâm lặng-ý, muốn BIẾT THẤY sự vật. Sự miên man chú tâm lặng ý vào nơi đầu những ngón tay cũng là một công phu tập trung tâm-lực… Đáng lẽ phải biết tập trung vào nơi giữa-chặng-mày như ngài A nâu luật đà, thì kết quả sẽ rõ ràng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, sự tập trung tâm lực của Rosa đã dồn thêm được một số quang minh tâm lực di động tới những đầu ngón tay, đạt được 1 thứ định nhỏ, lọt được ít nhiều vào Tàng thức, và làm xuất phát những luồng tâm nhãn. Nên tâm nhãn này cũng chỉ cục hạn, vì bắt buộc phải nhìn sự vật qua trung gian của 1 thứ phù-trần-căn mới là những đầu ngón tay….
Bởi thế, nên trong kinh Lăng Nghiêm cũng dạy rằng: khi kẻ hành giả tu Như-huyễn tam ma đề tới mức được Bảo-giác-viên-dung và 6 căn hỗ dụng thì có thể dùng mắt để nghe được, hoặc dùng tai đề thấy được…
e)-Thuyết mới về THỜI GIAN của NIKOLAI KOZYREV.
Dân tộc Nga, bị kìm kẹp 65 năm nay trong 1 nền ý-thức-hệ vô thần đơn sơ và nông cạn, đã sản sinh ra một bộ óc khá dị thường: Kozyrev. Khoảng mười mấy năm gần đây, Kozyrev đã tung ra 1 số ý-kiến về Thời-gian gây khá nhiều xôn xao trong giới khoa học. Bộ óc và nghiệp lực của ông tuy chưa được độc đáo bằng Einstein, nhưng cũng đặc biệt.
Khi mới bước vào việc nghiên cứu khoa học, Kozyrev thường chuyên khảo sát về bầu khí quyển về mặt trời, mặt trăng, về nhật-thực, nguyệt-thực, về quang minh tức radiations, và về những thế cân bằng hay sô lệch giữa mấy thứ quang minh (radiations equilibrium).
Khoảng 1950, ông có tiên đoán mấy điều về hỏa tinh và mặt trăng, (tỷ dụ như nói rằng trên mặt trăng cũng có núi lửa) khiến ông trở thành nổi tiếng.
Lần lần, ông bước sang nghiên cứu những tế bào sinh cơ đơn sơ (protoplasme), cùng những vi-khuẩn. Ông nhận thấy rằng các vi khuẩn thường hay hội tụ với nhau thành những cộng đồng sinh hoạt (colonies) có những hình thù cơ cấu theo kiểu XOÁY CHÔN ỐC.
Ông cũng nhận thấy rằng các tế bào sinh-cơ thường có 1 cơ-cấu BẤT CÂN ĐỐI (structure asy mé trique). Ông bèn nghĩ rằng chính cái tính chất bất-cân-đối ấy trong cơ cấu đã làm phát xuất ra những luồng TINH LỰC, tức là SỨC SỐNG.
Lúc đầu, ông cũng chưa biết gọi thứ tinh lực ấy bằng tên gì, nên tạm gọi là sức sống (life). Nhưng ông nghĩ rằng tinh lực ấy khác biệt và siêu xuất hơn các thứ tinh lực thường thấy tron hóa-học và cơ-học.
Rồi ông lại nghiên cứu những hiện tượng thần giao cách cảm (té lé pathie). Rồi quanh quẩn trở lại về khoa thiên văn, nghiên cứu những hiện tượng tinh-tú-cặp-đôi (é toiles double).
Về tinh tú cặp đôi, ông nhận thấy rằng: lúc đầu thì tinh tú nọ khác với tinh tú kia, nhưng trải qua 1 thời gian lần lần cả 2 đều trở thành giống nhau. Nghĩa là mức- độ chiếu sáng giống nhau, quang-phổ (spectre lumineux) cũng giống nhau.
Ông bèn nghĩ rằng: hai tinh tú ấy lần lần trở thành giống nhau, thì chắc là có sự hỗ tương tác động lẫn nhau. Nhưng cả 2 vốn cách nhau xa lắc xa lơ, cách nahu cả một khoảng hư không mênh mông, thì làm sao mà tác động?! Chắc là chúng ta phải phát ra 1 thứ tinh lực gì kỳ ảo lắm mới tác động được. Mà tinh lực này thì chắc không phải là hấp-dẫn-lực (force de gravitation).
Ông suy ngẫm loanh quanh luẩn quẩn như thế lâu rồi, và không hiểu não-bộ cùng nghiệp lực của ông vận hành ra sao, nhưng tâm thức ông đã nảy ra 1 tia sáng mà ông coi là thần kỳ: “Phải rồi! Đúng rồi! Thứ tinh-lực kỳ ảo ấy chỉ có thể là THỜI GIAN. Thời gian chính là 1 thứ TINH LỰC kỳ ảo siêu xuất, nó khiến cho cái vũ trụ này có thể vận hành và hiện hữu… Chắc là vậy rồi…”
Ông bèn gọi thứ Tinh lực đó là Thời-gian. Và ông viết:
“Thời-gian là 1 tính chất quan hệ nhất và kỳ-bí nhất của thiên nhiên. Nó không chuyển động chậm chạp như ánh sáng đâu. NÓ XUẤT HIỆN TỨC KHẮC, và CHU BIẾN KHẮN NƠI CHỐN. ột đơn-vị thời gian, khi biến thể đi, thì tức khắc xuất hiện khắp nơi. Thời gian dính mắc nối-liền tất cả chúng ta, cũng như nối-liền tất cả sự vật trong vũ trụ… Nó là 1 hình thái kỳ ảo của tinh-lực. Và chúng ta phải nhìn vào đó để tìm cái cỗi-nguồn của mọi sự sống trong vũ trụ…”
Rồi ông loay hoay chế tạo đủ thứ các dụng cụ cùng đồng hồ, để cố gắng đo lường MẬT ĐỘ (densi té du Temps) của tinh lực đó, mật-độ của thời gian. Không hiểu những dụng cụ đo lường ra sao, nhưng ông tuyên bố:
“Những ý-tưởng hay tâm-niệm của ta có ảnh hưởng rõ rệt tới mật-độ của Thời gian. Trong lúc tôi làm trắc nghiệm, nếu tôi nghĩ tới thơ phú hay 1 điều gì xúc động, thì mật-độ thời gian vọt lên cao hơn là khi tôi nghĩ 1 vấn đề toán học.
Hiện tượng thần-giao cách cảm thường tùy thuộc vào mật-độ thời gian. Nếu mật-độ này cao, thì rất dễ truyền giao cách cảm…”
Có người hỏi ông: Ngoài trái đất này ra, có sự sống không?
Ông trả lời: Tôi chưa hề nhìn thấy, nhưng tôi nghĩ rằng có rất nhiều xác suất là có.
Chúng ta có thể nghĩ sao về những ý kiến của Kozyrev…?
Thực ra thì giáo lý nhà Phật, nhất là Kinh Lăng Nghiêm, có thể thương-xác dễ dàng về giá trị chân lý của những ý kiến ấy.
Thực ra thì trong pháp giới này, sự vật nào cũng được dệt nên bằng quang minh, quang minh nào cũng là tinh lực, nên vật nào cũng là tinh lực cả. Một cực-vi, nếu biến thể đi hoặc tan biến vào hư-không, đều có thể làm phát hiện năng lượng.
Nhưng Kozyrev muốn đi tìm 1 thứ tinh lực siêu xuất chu biến NỐI LIỀN các vật trong vũ trụ. Nếu ông ta thích mệnh danh cái Tinh-lực-uyên-nguyên ấy là Thời gian thì cũng vẫn được. Nhưng ông ta cũng hơi giống như 1 trường-phái ngoại đạo trong thời Đức Phật, vì phái này cũng tuyên xướng rằng Thời-gian là thứ đại-chủng uyên nguyên đã tạo dựng nên mọi vật… Và chưa hiểu rằng thời gian cũng chỉ là 1 tên gọi, một VỌNG TƯỞNG LỚN dựng nên bởi tâm thức cùng nghiệp lực chúng sanh, để chỉ cho cái Nhịp bước-bập-bềnh-giao-động của tâm thức. Còn cái cỗi-nguồn uyên nguyên của mọi thứ tinh lực thì là cái Tâm, rồi chuyển thành thức, rồi phát ra quang minh, rồi kết nên mọi vật…
Tuy nhiên, Kozyrev đã lớn tiếng tuyên xướng được 2 điểm có lợi ích cho việc tìm kiếm Chân lý của pháp giới:
- Ông đã xác nhận rằng những ý-tưởng hay tâm niệm của con người có ảnh hưởng tác động vào mật-độ của cái thứ tinh-lực mà ông gọi là Thời gian. Tức là có ảnh hưởng vào cái màn huyễn-hiện của sự vật.
Đó là 1 điều mà các nhà khoa học thường chưa ngờ tới.
- Thứ nhì là ông đã xác nhận rằng có những thứ tinh lực có thể chuyển động cực kỳ thần tốc, mau lẹ hơn ánh sáng rất nhiều..Trong khi trước kia, Einstein cho rằng không có sự chuyển động nào có thể vượt qua được thế-tốc của ánh sáng. Sở dĩ Einstein đã lầm lạc như vậy, là vì ông thường chỉ nghĩ tới những vật có vẻ có trọng-lượng mà thôi.
Hiện nay, một số nhà khoa học rất tán thán khâm phục Kozyrev… Tiếc thay là Kozyrev cùng các nhà khoa học đó đều chưa đọc tụng Kinh Thủ Lăng Nghiêm, vì nếu đọc tụng rồi, thì sự tìm kiếm sẽ dễ dàng hơn. Âu cũng là do cơ-duyên chưa chín mùi…
Tuy nhiên, trong giới khoa học gia, cũng vẫn có 1 số người đã trực nhận thấy 1 phần Chân lý, như Eddington hay Tames Teans… Eddington từng viết rằng: “ Nghĩ kỹ thì thấy rằng vũ trụ này có vẻ giống như một TÂM TƯỞNG LỚN hơn là 1 bộ máy lớn…”
Chân lý về nhận thức quan của Kinh vốn là rốt ráo liễu nghĩa, chỉ bày ra bởi 1 Bậc đã đắc ngũ nhãn, nên dù khoa học có tiến xa mấy chăng nữa, cũng không thể ra khỏi lời Kinh xưa. Tương tự như xưa kia, Tề thiên Đại thánh không thể ra khỏi được bàn tay của Phật tổ Như lai, hoặc như ngài Thiện tài đi hoài đi hủy cũng không ra khỏi được lỗ-chân-lông của ngài Phổ hiền… Trái lại, khoa học càng tiến xa bao nhiêu lại càng chứng minh cho những điều đã được giảng dạy bởi lời Kinh xưa…
Ngoài những dữ-kiện khám phá trên đây về tâm-linh học, còn rất nhiều những hiện tượng khác nhau về khả năng của tâm linh. Như trường hợp của Uri Geller, Edgar Cayce (Cayce đã từng làm xôn xao dư luận Mỹ quốc, vì ông có thể vào giấc ngủ thôi miên để chấn những bịnh nan y, cùng đọc được ít nhiều việc về tiền kiếp…) ….., nếu nói hết thì quá dài….
Để kết thúc chương này, thiết tưởng cần luôn luôn nhớ rằng ở kiếp sống nào cũng vậy, chúng ta hoặc mỗi chúng sanh thường sống BAO BÂY BỞI QUÁ KHỨ. Tất cả những gì xuất hiện trước mắt ta, hoặc trước 6 căn, dù là ở thân căn chánh báo hay là quốc-độ y báo, cũng đều được LÓE lên, DỆT nên, kết tập nên bởi những quang minh do sự suy động của Nghiệp lực từ Vô thủy… Và Nghiệp-lực tức là QUÁ KHỨ. Nghiệp có thể gần hay xa, nặng nề hay nhẹ nhàng, u-ẩn hư-minh hay là kiên-cố. Một vì tinh tú ở xa với đối với ta, tuy mắt ta không nhìn thấy, những cũng phát khởi từ những chủng-tử nơi Tàng thức, và là hiện tướng quốc-độ của 1 thứ nghiệp xa với. Còn những gì xuất hiện ở nơi thân-căn chánh báo hay ở trước mắt ta thì là những nghiệp thân cận và gần.
Vậy thì ta ngày nay, tức là hiện-tướng của cái Quá-khứ mênh mang mịt mùng, gồm những kiếp số không thể tính đếm.
Nhưng ta cũng hàm chứa HIỆN TẠI.
Hiện tại ấy là như thế nào?
Nó chỉ được thu gọn nơi 1 khoảnh-khắc-cực-kỳ-ngắn-ngủi-hư-ảo, nơi một sát-na, một tâm-niệm. Và tâm-niệm này thì luôn luôn chuyển hiện, vừa PHỤT lên đã TẮT đi rồi.
Nhưng tuy nó ngắn ngủi hư ảo như vậy, nó cũng lại rất là kỳ-diệu, vì nó là biểu-tượng cho cái khả năng tự do, tự tại, khả năng cứu độ và giải thoát của mỗi chúng sanh, biểu tượng cho cái Thần-lực của Diệu tâm. Và nếu ta biết giữ tâm-niệm ấy không 1 gợn kiến chấp, không 1 bợn tình nhiễm, thì lần lần, nó sẽ chiếu soi, sẽ phổ vào cái biển nghiệp mịt mùng, khiến cho biển nghiệp sẽ tiêu dung, và lúc đó thì sơn hà đại địa cũng không còn một mảy mún vi-trần…
Quá khứ-Hiện tại-Vị lai cũng là 1 Bộ Ba (Trinity) trong giáo lý nhà Phật, tương tự như những Bộ ba khác như: Căn-Thức-Trần hay Phật-Pháp-Chúng sanh hay Người đi- Tác động Đi- Quãng đường đi qua…
Quá khứ luôn luôn giao thoa và chiêu cảm Vị lai. Và điểm giao thoa của chúng nằm ở Hiện tại, tức là một Tâm-niệm hiện hành… Nếu tâm-niệm này có đủ sức để trở thành MỘT-NIỆM-VI-MẬT-HIỆN-TIỀN-AN-TRỤ-TỊCH-TĨNH, thì nó sẽ ĐỨNG LẶNG và SÁNG NGỜI, tỏa hào quang chiếu soi khắp cả. Và lúc đó, cả Quá khứ lẫn Vị lai đều tiêu dung không tăm tíc trong cái biển Trí huệ nhìn rõ thấy 3 đời đều Bình đẳng, không một cũng không khác..
Cũng như đối với Căn-Thức-Trần, cái điểm giao thoa và chiêu cảm giữa Căn và Trần là Thức… Nếu cái Thức tâm này của chúng sanh có thể gột sạch được mọi gợn vọng-tưởng cùng vọng-tình, để trở thành ĐỨNG LẶNG và SÁNG NGỜI, thì lúc đó, Căn và Trần đều tiêu dung, không còn 1 mảy mún Trong hay Ngoai, hoặc Chủ hay Khách.
Cũng như đối với Phật-Pháp-Chúng sanh, thì cái điểm giao thoa và chiêu cảm giữa Phật với Chúng sanh là cái Tâm-niệm hiện hành theo đúng Chân-Pháp. Nếu cái tâm-niệm này có đủ sức để trở thành ĐỨNG LẶNG và SÁNG NGỜI, thì lúc đó, cả Phật lẫn Chúng sanh đều tiêu dung, và quách nhiên không còn 1 vết tích là Phàm hay là Thánh.
Cũng như đối với Bộ ba Người Đi-Tác động Đi- và Quãng đường đi qua, thì điểm giao thoa và chiêu cảm là Tác động Di-… và nếu tác-động thi-vi này được diễn ra dưới ánh sáng của cái Tâm Như-như-tịch-tĩnh ĐỨNG LẶNG và SÁNG NGỜI, thì lúc đó, cả Người đi lẫn con Đường đều tiêu dung, không còn 1 vết tích gì là Lay-động hay Không lay động cả, là hữu tác hay vô tác… Hoặc lấy 1 tác động khác như 1 người đứng rửa bát chẳng hạn. Nếu quán chiếu lâu như vậy, thì sẽ thấy rằng cái bát là không, người cũng không, và tác động cũng không. Và tất cả chỉ là 1 màn huyễn-hiện của Diệu Tâm…