CHƯƠNG 2 - BIỂN CHÂN TÂM DIỆU MINH-CÂU HỎI CỦA NGÀI PHÚ LÂU NA: TẠI SAO KHỞI VỌNG? – CÂU CHUYỆN CHÀNG DIỂN NHÃ ĐẠT ĐA – VÔ MINH BẤT GIÁC HAY NIỆM MÊ MỜ VÔ THỦY: TỰ TÂM THỦ TỰ TÂM – MẶT TRĂNG THỨ 2: HƯ MINH, BÓNG MỜ CỦA DIỆU TÂM.
Trên kia đã nói Biển Diệu tâm là bình diện Tột-bờ mé, Bất nhị, vô sai biệt, vô tướng mạo…vượt lên trên Thức đại và Kiến đại.
Chúng ta đều hiểu rằng từ nơi Biển Diệu tâm này, lưu xuất ra, chuyển-hiện ra pháp giới…Nhưng Biển này vốn bất-tư-nghì, bất khả thuyết, lìa mọi ý niệm ngôn từ, chẳng có cũng chẳng không, chẳng thường cũng chẳng đoạn, chẳng ẨN cũng chẳng HIỆN…chẳng khứ cũng chẳng lai.
Vậy thì biết nói gì đây về cái Biển Diệu tâm này?!!
Nên thực ra, ở đây cũng không dám nói Tâm là gì, chỉ nương theo kinh sách và kể lể một vài điều về Tâm:
Trong kinh Tâm địa quán, phẩm Quán tâm, Phật có nói một câu thần chú để dạy quán Tâm. Và Ngài dạy rằng khi quán Tâm, thì phải quán một Vầng-trăng-tròn trong sáng tròn đầy.
Đó là một hình ảnh để tạm hình dung Biển tâm.
Ngài Long Thọ Bồ Tát xưa kia đi du hóa đến một xứ. Dân chúng xứ này đã biết tin Phật pháp, nhưng chỉ chuyên tu phước nghiệp, không biết gì đến Diệu tâm… Ngài bèn lên tòa thuyết pháp tại 1 khu rừng, để giảng nói về Diệu tâm. Ngài nhập Nguyệt-luân tam muội rồi thuyết giảng. Và dân chúng không nhìn thấy thân hình ngài, chỉ thấy như một vầng trăng trong sáng nơi chỗ ngài ngồi,và nghe thuyết pháp….Sau đó, ngài xuất tam muội, trở lại thân hình cũ, dạy rằng:” VÔ TƯỚNG tam muội giống như MẶT TRĂNG TRÒN…”. Rồi ngài nói kệ:
Thân hiện tướng TRĂNG TRÒN
Để nêu THỂ CÁC PHẬT,
Nói pháp không-hình ấy
Chỉ rõ phi thanh -sắc….
Dân chúng nhìn thấy thần biến ấy, nên đều khởi lòng tin Diệu tâm.
Ngài Mã minh Bồ tát, trước khi xả bỏ ứng thân, nhập Long phấn tấn tam muội, bay lên thinh không, toàn thân chói sáng như hàng trăm mặt trời, bay lượn hồi lâu mới đáp xuống mặt đất, ngồi kiết già mà thị tịch….
Khi nói về Diệu tâm, cổ đức thường dùng câu:
Chiêu chiêu bất muội
Liễu liễu thường tri…
Nghĩa là: Rờ rỡ chẳng tối, Làu làu thường biết….
Còn như nói về cái lẽ ẨN-HIỆN của Diệu tâm, tức là sự chuyển hiện, thì một vị Tổ ngành Thiền Ấn độ có lời kệ:
Mê-ngộ như ẨN HIỆN,
Tối sáng chẳng rời nhau,
Nay trao pháp ẨN HIỆN
Chẳng một cũng chẳng hai…
Trong Kinh Lăng Nghiêm, trang 333, Phật dạy rõ cho các bậc Thanh văn biết rằng: “ Tánh giác là diệu minh, Bản giác là minh diệu…”
Nghĩa là: Tánh giác hay Bản giác, hay Chân tâm ấy, nó thường DIỆU thường MINH. Diệu là vì nó thường phan duyên để làm huyễn hiện mọi cảnh giới. Minh là vì nó thường hằng chiếu soi, trong sáng tròn đầy….
Kinh Hoa Nghiêm, Phật cũng dạy rõ rằng: “Chư Phật là TẠNG quang minh…” Còn trong Kinh Tâm địa quán, Phật dạy: “ Phật là gì? Là Thần-thông-biến-hóa-tràn-đầy-thế-gian…” Tạng quang minh là chữ Minh, còn biến hóa tràn đầy là chữ Diệu….
Như vậy thì ra sao?
Như vậy thì, tuy không dám nói Tâm là gì, nhưng cũng có thể tạm nói rằng: Khi Tâm chuyển-hiện, tạm gọi là bắt đầu HIỆN TƯỚNG, thì nó làm phát hiện một Biển-quang-minh-uyên-nguyên, cực kỳ vi tế, trong sáng tròn đầy, hào-quang-tột-bực, chuyển động cực kỳ thần tốc có thể ứng-hiện lập tức nên gọi là Trạm-nhiên-Bất-động…Chư Phật cũng ở đó mà ra, và vì không ô nhiễm, nên có thể khởi mọi diệu dụng vô ngại. Chúng sanh cũng ở đó mà ra, nhưng vì ô nhiễm, nên thường chỉ khởi những Hoặc-lậu, rồi khởi Nghiệp-dụng lưu-ngại để trôi lăn vào những cảnh Khổ….Nên Tâm có thể hình dung như cái Biển-Tinh-lực-uyên-nguyên làm lưu xuất ra pháp giới này…
Đó có thể gọi là lối nhìn về Bản-thể-luận (ontologie) của nhà Phật….
Về Bản thể luận, thiết tưởng cần nhắc qua một vài ý kiến của mấy trường phái ngoại đạo, vì điều này cũng cần thiết dễ hiểu Kinh Lăng Nghiêm.
Vào thời Phật ra đời tại cổ Ấn Độ, các trường phái ngoại đạo nẩy nở rầm rộ, và tung hoành ngang dọc… Cũng một phần bởi thế mà Chư Phật mới phải xuất hiện nơi đời. Vì Phật thường xuất hiện nơi nhân thế, vào lúc tuổi thọ trung bình của con người là xấp xỉ 100 tuổi, lúc đó phước báo đã bắt đầu kém đi và kiếp sống đã bắt đầu vào thời Ngũ trược. Như thế là để cứu vớt lấy một số chúng sanh khỏi bị chìm nghỉm trong những làn song hoặc lậu… Nếu phước báo còn nhiều, thì Phật cũng không thị hiện đảnh sanh, vì chúng sanh cũng chưa bị chìm ngập. Hoặc nếu phước báo còn quá ít, thì Phật cũng không xuất hiện, vì không có mấy chúng sanh đủ túc duyên tương ưng để hiểu giáo lý và được cứu độ… Thường thường là như vậy.
Vậy thì thời đó, các trường phái tung hoành để dẫn dắt chúng sanh ngụp lặn trong biển hoặc lậu… Và mỗi phái đề xướng một thứ cỗi nguồn khác biệt của pháp giới.
Có phái giảng dạy rằng: vũ trụ này chỉ là do những CỰC VI nhảy múa chuyển động triền miên theo những luật tắc của Ngẫu nhiên, rồi Tình cờ kết hợp và tạo dựng nên mọi vật. Cũng hơi giống như quan niệm của mốt số khoa học gia ngày nay… Nhưng về lối giải đáp về bản-thể-luận này, thì nhiều người ngày nay đã hiểu rằng: khó có thể tìm thấy 1 thứ cực-vi nào chắc nịch để làm viên-gạch-cơ-bản cho vũ trụ, hơn nữa các cực-vi đều biến ảo khó lường, và cũng không có thứ gì có thể gọi là Vật-chất thuần túy được cả Ngoài ra, nếu tính theo toán-số xác-suất như Lecomte Du Nouy đã làm trong cuốn L’hommeet sa destine, (calcul des probabilitytés), thì sự chuyển động của vô lượng những cực-vi nhảy múa loạn xạ cũng không có 1 xác-suất nào (probabilitytés nulle) để kết tập thành 1 sinh vật cao độ như con khỉ hay con người hết… Vậy thì lối giải đáp này là một sự sai lầm, đáng bác bỏ.
Lại có trường-phái giảng dạy rằng: Chính THỜI GIAN là thứ Đại-chủng cơ bản đã tạo dựng nên vũ trụ này.. Nhưng ngày nay, qua những thuyết của Einstein và nhất là qua những lời dạy của Kinh Hoa Nghiêm (xin xem cuốn Lăng Kính Đại Thừa, chương Thời-gian như huyễn), chúng ta có thể hiểu rằng: Thời gian cũng chỉ là một pháp tương-sanh-tương-duyên, chỉ là một Vọng tưởng tùy thuộc vào mức độ tâm-thức của mỗi chúng sanh, của mỗi loài chúng sanh thọ sanh ở một CÕI nào đó mà thôi. Và như thế, không thể là một Đại-chủng cơ bản để tạo dựng pháp giới được.
Nên lối giải đáp này cũng đáng bác bỏ.
Ngoài ra, thì các trường phái ngoại đạo đáng kể, phần đông đều ngả về quan niệm cho rằng: có một ĐẤNG SÁNG TẠO (Creator) đã tạo dựng nên vũ trụ này… Về điểm này, có phái cho rằng Đấng sáng tạo đó chính là ông vua trời Phạm thiên thường cai quản từ cõi trời Sắc giới trở xuống. Về vua Phạm thiên này, danh từ của Kinh Lăng già gọi là Sĩ-phu.
Hoặc có phái cho rằng: Đấng sáng tạo đó chính là Thần-ngã hoặc Minh-đế… Là vì khi các tu sĩ ngoại đạo vào được Định sâu, phá được Sắc-ấm, Thọ-ấm, Tưởng-ấm cùng Hành-ấm rồi, thì lọt được vào Thức-ấm tức Tàng-thức… Lúc đó, nhận thấy rằng cái Thức của mình nó ghê gớm quá, nó dung thông dính mắc khắp nơi, chu biến khắp nơi. Nhận thấy thế thì tâm vui mừng khấp khởi vô hạn, nên tâm bị dao động, cho đó là Thực-tại cuối cùng rồi, và nghĩ rằng mình đã tới Bến nguyên-sơ của muôn thuở. Rồi âm thầm lầm nghĩ rằng: chính cái Thức đó tức là cái Thần-ngã của ta nó tối linh, và nó đã tạo dựng nên cái pháp giới lung linh này. Hoặc nghĩ rằng chính cái Thức ấy nó là cái Thực-tại cuối cùng, ở nơi hỗn-độn hoang sơ, nó đã tạo dựng nên vũ trụ, và gọi nó là Minh-đế… Và cũng chính vì nỗi khấp khởi vui mừng của một kẻ lữ-hành đi xa và tưởng mình tới bến, móng niệm nghĩ lầm, nên các tu sĩ ấy thường dừng chân nơi đó, mê-mờ tánh Bồ-đề, không còn ý-chí đứng trên đầu sào 100 trượng và nhẩy thêm 1 bước nữa. Nghĩa là không còn ý chí dung mãnh để chuyển Tàng-thức ấy thành Bạch tịnh thức toàn chân…
Cho nên, trong Kinh Lăng Nghiêm, ở những đoạn bác những kiến-chấp của Ngài A Nan về thuyết Tự-nhiên, cũng như đoạn ma chướng của Thức-ấm, Phật đã lý giải kỹ càng về những điểm này.
Nói cho đúng ra, thì những tu-sĩ ngoại đạo này không phải là không đạt chân-lý, không phải là không cao siêu…mà chỉ là chưa rốt ráo liễu nghĩa, chưa đặt chan nổi trên bờ của Thực tại rốt ráo. Là vì sao? Là vì vẫn còn móng niệm, còn kiến chấp vi-tế, còn GỢN niệm lăn tăn. Còn gợn niệm thì vẫn còn hý-luận, còn phản chiếu THỰC TẠI lệch lạc, còn dừng chân trước bờ-mé và còn lỗi-lầm, chưa thể nhập trọn vẹn được Thực tại.
Tỷ dụ như các vị chủ trương Thần-ngã, tức là còn âm-thầm gợn sóng tâm-thức, chấp rằng cái Ngã ghê gớm, cái Ngã thần thánh tối linh, và vẫn còn rơi vào vòng Vọng-thức có-không.
Hoặc các vị chủ trương Minh-đế, thì vẫn âm thầm gơn sóng chấp rằng cái Minh-đế ấy là một Thực-tại, nó là Có (Being), và nó sanh ra, tạo dựng ra pháp-giới.
Hoặc các vị chủ trương Phạm thiên là Đấng sáng tạo thì còn lỗi lầm thô kệch hơn… Các vị này thường chỉ mới đạt được những cơn Định ở Sắc giới. Trụ trong định này, có thể đưa thần thức lên cõi Sắc, rồi thấy mình thảnh thơi an lạc quá, thấy mình tự tại quá, khởi tâm vui mừng khấp khởi cho rằng mình đã tới bến… Rồi lại ngắm nhìn ông vua trời Phạm thiên (vốn thường là 1 vị Đại Bồ tát tùy nguyện thọ sanh), thấy ngài nhiều hào quang quá, lại thấy ngài nhiều tự-tại-lực quá, biến hóa khôn lường, nên lầm nghĩ rằng không thể có đấng nào hơn vị này được nữa, và chắc là vị này đã tạo dựng nên vũ trụ… Do đó, mắc phải những lỗi-lầm: kiến chấp nhân-ảnh-hóa về Thực tại cuối cùng, chấp có tạo dựng cái này sanh ra cái kia, và chấp rằng Đấng sáng tạo là Tự-nhiên có, là Ngẫu-nhiên có, là không nguyên nhân (causeless)… Do đó, Kinh Đại Bát niết bàn mới gọi là những tu sĩ đó là mắc vào Tam-muội-nông-cạn-đảo-điên.
Thực ra, thì lối-nhìn hay mức-độ giác ngộ sâu hay nông của các bậc Giáo chủ (Phật giáo hay các tôn giáo khác), đều là tùy thuộc mức độ TAM MUỘI rốt ráo hay nông cạn… Khách quan mà xét và nương theo kinh sách, thì có lẽ bậc giáo chủ của đạo Hồi, trong những cơn xuất thần nhập định giữa sa mạc, thường chỉ mới nhìn thấy những tầng trời ở cõi Dục. Các tu sĩ của Bà la môn giáo cũng thường chỉ đạt tới những mức độ thiền định của cõi Sắc và vô Sắc. Tỷ dụ như ông Tu-bạt-đà-la là vị đệ-tử cuối cùng của Phật, vốn trước kia tu theo Bà la môn giáo, nên tu hoài tu hủy mãi cho tới năm 90 tuổi vẫn chỉ đạt tới định Phi-tưởng-phi-phi-tưởng xứ. Và phải nhờ Phật điểm hóa cho, mới dệt nổi hết mầm mống sanh tử, đắc quả A La Hán, ra ngoài 3 cõi. Và cũng vì cảm kích thâm ân điểm hóa ấy, nên ngài đã tự ý dùng hỏa tam muội, tự đốt thân mình để theo Phật vào Niết bàn… Còn những kinh sách của Thiên-chúa-giáo, thì tập Tân ước đầy rẫy những phép lạ của chúa Ki-tô, chỉ dùng một lời nói để đuổi quỷ, cùng chữa khỏi những kẻ sanh-manh hoặc tê liệt. Nhưng không thấy ngài làm những phép lạ tập thể (miracle collectif). Những kinh sách Cơ đốc gần như không nói đến mức-độ thiền định, thường chỉ nói đếm vision hoặc Transfiguration để hiện tướng hào quang thôi. Nên rất khó phỏng đoán về mức-độ chứng đắc của ngài. Chỉ biết rằng ngài có ra ở nơi sa mạc vắng vẻ trong 40 ngày, để cầu nguyện, để có vision của tâm nhãn và cũng để chịu đựng và chiến thắng sự thử-thách của Sa-tăng… Nhưng trong Kinh Đại Bát nhã, có một đoạn nói đại cương như sau: một bậc có đủ thần-lực để chỉ dùng 1 lời nói mà đuổi được quỷ, hoặc chữa khỏi 1 trọng bệnh nghiệp-báo như kẻ sanh-manh, thường phải là một Đại Bồ Tát ở bậc đệ-thập-địa... Còn như về vũ trụ thi triển thần lực một cách tập thể, thì trong các Kinh, Phật đã làm rất nhiều những vị đó: tỷ dụ như Ngài nhập Từ tam muội để chữa khỏi cho 500 tên cướp bị vua Ba-tư-nặc khoét mắt rồi bỏ vào rừng sâu, hoặc chữa khỏi lành lặn cho 2000 phụ nữ giòng Cồ-đàm bị vua Lưu-ly chặt chân rồi vứt xuống hố,…hoặc hóa hiện các cõi….
Thực ra thì cần phải vào nổi những cơn tam-muội lớn, rất sâu rất rốt ráo, những cơn Đại-định Vô trụ…tỷ dụ như Thủ Lăng Nghiêm tam muội, Kim Cang tam muội, Như-huyễn tam muội… mới có đủ mức-độ tâm-nhãn để nhìn thấy mọi then chốt sinh cơ của pháp giới, và đủ thần-thông du-hý đại tự tại lực. Phải hiểu rằng pháp giới là huyễn, rồi nắm được then chốt của sự huyễn-hiện ấy, thì mới có Vô-tác-diệu-lực để hóa hiện không cùng được. Còn như nếu vẫn nghĩ rằng pháp-giới là có, thì dù có thần lực chăng nữa, cũng không hóa-hiện được mấy nỗi... Chỉ cần đọc những Kinh Đại Thừa, nhất là Kinh Hoa Nghiêm hay Kinh Đại Định Thủ Lăng Nghiêm…, là đủ thấy rõ điều đó. Trong Kinh Đại Định Thủ Lăng Nghiêm (hiện nay, Thượng Tọa Huyền-Vi đang Việt-dịch cuốn này trên tờ Hoằng-pháp), thì từ đầu đến cuối, toàn là thần biến, biến hóa không lường của những bậc Đại Bồ Tát đã chứng nhập tam muội đó.
Do đó, nên các Kinh Đại Thừa, nhất là Thủ Lăng Nghiêm và Đại Bát Nhã… luôn luôn khuyên tấn kẻ hành giả phải GỘT sạch mọi móng-niệm GỢN sóng lăn tăn. Gột sạch để làm gì? Để có thể chứng-nhập trọn vẹn Biển Tâm tức Thực tại cuối cùng. Chứng nhập như thế để làm gì? Để có thể nhìn rõ mọi sinh-cơ của pháp giới, để có quảng-đại-tự-tại-lực rồi dùng phương-tiện-huệ hóa-hiện không cùng để cứu độ và ÔM TRỌN pháp giới vào thân tâm mình, trở thành MỘT với pháp giới… Nếu như kẻ hành giả còn móng niệm vi-tế, thì cũng có tự-tại-lực được, nhưng không phải là quảng đại, không thể cứu độ không cùng được và không ôm trọn nổi pháp giới. Đồng thời, lại dễ khởi tâm vui mừng, cho thế là đủ, cho rằng mình đã tới bến, trở thành tăng-thượng-mạn, mê mờ tánh Bồ đề, để lạc vào ma-chướng của ý, sa vào ngoại đạo, hoặc dừng chân ở định-tánh Nhị thừa…
Về vấn đề Bản thể luận, qua các Kinh, ta có thể nhận thấy rằng: đối với những câu hỏi siêu xuất này, Đức Phật thường có thái độ dè dặt, đôi khi giữ im lặng, không muốn diễn giải nhiều về vấn đề này.
Tỷ dụ như xưa kia, khi có người Bà La Môn say mê triết học tới vấn nạn Ngài về 14 câu hỏi siêu hình (như: vũ trụ này là có cùng tận hay không cùng tận?...), thì Phật thường hay giữ thái độ im lặng không trả lời những câu hỏi thuộc Bản thể luận ấy.
Hoặc trong kinh Địa Tạng (phẩm 4), có 4 ngài Tứ-thiên-vương đứng lên hỏi rằng:” Ngài Địa tạng đã phát nguyện rộng lớn cứu độ từ rất lâu xa như vậy, lại thêm có vi-trần-số Đại Bồ Tát cũng phát nguyện như thế, vậy thì thưa Thế tôn, tại làm sao các ngài lại chưa độ được HẾT chúng sanh, mà vẫn còn HOÀI HOÀI những chúng sanh chưa được độ?!!...” Câu hỏi này rất hay, và có nghĩa rằng” Chúng sanh là TẬN hay VÔ TẬN?...Nhưng trong kinh Địa Tạng, Phật cũng không trả lời thẳng vào điểm này, và cứ để cho chúng sanh phải suy nghĩ.
Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, và cứ để cho chúng sanh phải suy nghĩ.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, thì ngài Phú Lâu Na đứng lên thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Nếu quả thực cái Diệu tâm ấy là bản-nhiên thanh tịnh, không có một vật, thì tại sao bỗng nhiên lại thấy có đủ các hình-tướng hữu-vi như núi, sông, sơn hà đại địa…thứ lớp dời đổi, trước sau quanh lộn…?! Tức là ngài muốn hỏi về nguyên nhân Khỏi Vọng, làm phát hiện nên thế-giới này.
Lần này, thì Phật trả lời. Song có những câu trả lời của Ngài cũng vẫn rất ẩn mật và cô đọng, có thể lược tóm như sau:
-Này ông Phú Lâu Na! Các ông là những bậc Thanh văn, đã gột được sạch những hoặc-lậu thô tận, nhưng các ông nên nhớ rằng: cái Chân-tâm ấy nó vốn Diệu vốn Minh, nó thường diệu thường minh. Chứ không phải là kẻ tu hành đã gắng lau-chùi-gột-rửa-mãi, nên nó mới trở thành minh thành diệu đâu…Nếu các ông còn giữ cái kiến chấp, cho rằng vì mình lau chùi nên nó mới trở thành Minh, thì các ông vẫn còn luẩn quẩn ở trong vòng Vọng-thức của năng-minh và sở-minh, và không chứng nhập được Tâm ấy.
Sự Khởi Vọng của chúng sanh vốn là 1 cơn Mê-sảng, và đã gọi là mê sảng hay chiêm bao, thì đâu có thể có nguyên nhân? Rồi Ngài kể câu chuyện chàng Diễn Nhã Đạt Đa, bỗng nhiên đứng trước tấm gương để TỰ SOI.
Rồi mấy chục trang sau, Phật lại nói một bài kệ, để diễn giải thêm một chút nữa. Trong đó, có câu:
Tự-tâm TRỞ LẠI chấp tự-tâm,
Không phải huyễn, trở thành pháp HUYỄN….
Vậy thì tại sao Phật lại có thái độ dè dặt, và lời dạy lại ẩn mật như vậy?... Ngài không diễn giải rõ rệt không phải là vì Ngài không có đáp-số. Trái lại, Ngài có tất cả đáp-số. Bằng chứng là về những điểm nào chưa rõ rệt, thì trong những bộ Đại-luận sau này như Đại trí độ luận, các bậc Đại Bồ Tát như ngài Long Thọ đã đem ra diễn giải rất kỹ càng.
Sở dĩ Phật thường dè dặt ẩn mật, là vì những lẽ sau đây:
Những câu hỏi về Bản thể luận, tuy gọi là siêu xuất, nhưng vẫn nằm trong vòng Vọng-thức phân biệt, vẫn đều là những thắc mắc của những kẻ chưa tỉnh giấc chiêm bao. Khi tỉnh rồi, thì những thắc mắc ấy tự rơi rớt.
Nếu trả lời nhiều và dài giòng cho kẻ vấn nạn, thì lại khiến cho kẻ ấy cứ tiếp tục lòng dòng đi hoài trong vọng-thức…Trong khi mục tiêu của giáo lý, là đề ra những pháp môn, khuyến tấn hành giả chú trọng tới việc HÀNH TRÌ, để tự mình ra khỏi mê-đồ của vọng-thức chiêm bao.
Kẻ hành giả, khi được biết khá rành rẽ thông suốt về những điểm tột-bờ-mé rồi, thì dễ khởi tâm ĐẠI NGÃ MẠN. Thầm nghĩ rằng:” Mình thực là quán thông siêu tuyệt, ngoài mình ra, không ai có thể biết rành rẽ như vậy…” Có tâm ngã mạn rồi thì chấp ngã, chấp pháp, rồi khởi tâm tham dục, lạc vào thiên-ma…Đó là trường hợp của Ma vương, của Thiện tinh tỳ-kheo, và của ngài Đề-Bà-Đạt-Đa…Ma vương là một vị tu hành, đạt tới mức độ thần lực xấp xỉ với bậc A La Hán hoặc Bồ Tát đệ-bát-địa, nhưng khởi tâm ngã mạn cùng tham dục. Có tâm này rồi, thì không thể tiến xa hơn nữa, không thể đi sâu vào giáo lý Như-huyễn của Bồ Tát đạo.
Riêng về ngài Đề Bà Đạt Đa, thì cần hiểu rằng các kinh Pháp Hoa và Đại Bát niết bàn …..đã thuyết minh về trường hợp của ngài. Trong quá khứ, ngài đã từng là vị thiện tri thức dạy Kinh Pháp Hoa cho một tiền-thân Phật (phẩm 12). Rồi đến kiếp này, khi Phật ra đời, ngài lại đảm đương vai trò phá tăng hại Phật. Để làm gì? Để Phật có cơ-duyên chế định thêm giới luật, cùng giảng giải rõ rệt về nhân-quả nghiệp-báo, khiến hàng Thanh văn gắng công trì giới…Chư Phật là bậc đã trở thành 1 biển công đức khôn lường, đã sạch hết mọi vết tích nghiệp-báo, thì làm gì còn phải trả nghiệp nữa?! Trong bộ Đại trí độ luận, ngài Long Thọ dạy rằng: Phật trước kia có trải qua 9 nạn, (như vụ phải ăn lúa mạch của ngựa thường ăn, hoặc bị một người nữ Bà La Môn vu khống rằng Phật đã chung chạ với nàng khiến nàng mang thai….) đều là những phương tiện thiện xảo do chính Ngài thị hiện, để làm nhân duyên thế giới, cùng diễn giải rõ về nhân quả nghiệp báo, để khuyến tấn hàng Thanh văn cẩn trọng về giới luật…Cho nên, trường hợp ngài Đề-bà-đạt-đa chỉ là một trường hợp thị-hiện nghịch-duyên, vì đôi khi, một bậc Đại Bồ Tát cũng thị hiện làm Ma vương để cảnh giác chúng sanh. Ngoài ra, kinh có nói rõ rằng: tuy ngài Đề-bà-đạt-đa bị đọa xuống địa ngục, nhưng ngài vẫn thấy an lạc vui sướng như 1 tỳ-kheo nhập đệ tam thiền. Hơn nữa, trong Kinh Pháp Hoa, Phật cũng thọ ký cho ngài sẽ thành Phật…
Ngoài ra, một kẻ hành giả, khi hiểu biết được nhiều điểm cao siêu, thường cũng hay đắm trước sự hiểu biết đa-văn, và xao lãng việc hành-trì. Trên phương diện tu chứng, sự hành-trì đôi khi còn quan trọng hơn sư đa-văn, vì hành-trì mới chính là sự bồi đắp cái cỗi gốc vi-tế, và mới là con đường đi sâu vào Vô-phân-biệt-trí.
Bởi vậy, nên đối với những vấn đề Bản-thể-luận, giáo lý nhà Phật thường ít khi muốn diễn giải kỹ càng, và thường chỉ đưa ra 4 chữ: PHÁP NHĨ NHƯ THỊ để trả lời sự vấn nạn mà thôi. Pháp nhĩ như thị có nghĩa là pháp-nhĩ vốn là như vậy, lý-ưng là như vậy, cái sự vận-hành của Đạo lý và của pháp giới vốn là như vậy. Khó thể miêu tả được, và mỗi chúng sanh đều cần suy ngẫm lâu dài rồi tự chứng nghiệm, thì sẽ hiểu… Nay nếu nương theo Chân-lý Duy tâm sở hiện mà diễn giải rõ rệt ra, thì có thể tạm nói rằng: cái diễn trình vận hành của Pháp giới vốn là như vậy, cái màn Vô minh tuy chỉ là chiếc bóng-mờ của Diệu-tâm, nhưng nó cũng bất tư nghì và luôn luôn hằng khởi không đoạn tuyệt. Nó hằng khởi không ngừng nghỉ để làm gì? Chỉ là để mở cuộc hành trình chuyển-hiện, từ MỘT biến hiện thành NHIỀU, từ Một lóe ra thành VÔ LƯỢNG… Rồi lại từ cái NHIỀU hay VÔ LƯỢNG….Rồi lại từ cái NHIỀU hay VÔ LƯỢNG ấy, do sức huân tập thâu hút của Chân-tâm tức là Pháp-lực, cũng như do Thần-lực cứu độ của Chư Phật cùng Bồ Tát, cái Nhiều hay Vô lượng ấy lại mở cuộc hành trình để trở về cái MỘT của Biển Diệu-tâm… Cho nên, bản lai diện mục của Pháp-giới là như vậy: luôn luôn không ngừng nghỉ, chuyển hiện từ cái Một sang cái Nhiều, cũng như chuyển hiện từ Nhiều sang Một. Nghĩa là Tâm vô tướng mạo luôn luôn chuyển-hiện thành Vật muôn hình vạn trạng, và Vật cũng luôn luôn chuyển-hiện trở về Tâm… Do đó, các chúng sanh không thể nói là TẬN hay VÔ TẬN được. Vì Tận hay Vô tận đều chỉ là những khái-niệm giả-lập của Vọng thức phân biệt, và không tương ứng với bình diện Tột-bờ-mé của Thực tại. Và một kẻ hành giả, nếu còn ĐỘNG NIỆM, thì vì đó vẫn còn thấy chúng sanh xuất hiện bời bời, vô cùng vô tận, như những lớp sóng biển cả. Nhưng nếu hành giả đạt tới chỗ BẶT NIỆM, thì các lớp chúng sanh tự nhiên HẾT, trở thành TẬN, và tuyệt nhiên chẳng thấy 1 chúng sanh nào cả… Và đó cũng là lời dạy của Kinh Lăng Nghiêm.
Có một vài vị học giả, vì không nhận định được rõ về chân lý Song-chiếu này của nhà Phật, nên thường thắc mắc rằng: “Quái lạ! Tại sao Đức A Di Đà, trước kia đã thệ nguyện rằng nếu tất cả chúng sanh chưa được độ, thì Ngài quyết không thành Phật, vậy mà nay, chúng sanh vẫn còn bời bời lạc vào ác đạo, mà Ngài vẫn thành Phật ở phía trời Tây rồi??!!...lại nữa, tại sao Đức A Di Đà cùng Nhị Thánh Tây phương cứ gia công độ hoài độ hủy mãi mà chúng sanh vẫn không hết, như thế chẳng hóa ra các Ngài chỉ là những Đấng Dạ-tràng xe cát biển Đông, nhọc mình mà chẳng nên công cái gì hay sao?!?...”
Nói như vậy, tức là vẫn còn đem những tập quán vọng thức phân biệt để nhận định nơi Tột-bờ-mé, vẫn còn đem tâm trạng hữu-tâm hữu-tác của người phàm phu để suy luận những động-tác thi-vi của những bậc Vô-tâm Vô-tác. Vẫn chưa hiểu chân lý Song chiếu, cùng bí ẩn của Động niệm và Bặt niệm. Vẫn chưa hiểu Pháp nhĩ như thị… Trong pháp giới này, Vô minh hằng khởi để tượng trưng cho cái chiều hướng Một chuyển hiện thành Nhiều của Tâm chuyển thành Vật. Còn Chư Phật Thế tôn cùng Đại Bồ Tát cũng thường xuất hiện nhiều như vi-trần, độ hoài độ hủy, là biểu tượng cho chiều hướng của Nhiều trở về Một, của Vật trở về Tâm. Tuy các Ngài độ hoài độ hủy như vậy, nhưng vì các ngài đã đạt tới Vô-tác-diệu-lực, nên các Ngài cũng chẳng phải dụng tâm, chẳng thấy khó khăn hay khổ nhọc gì. Như trong Kinh Đại Định Thủ Lăng Nghiêm, ngài Văn Thù đã diễn nói rõ ràng.. Nhưng thực ra, thì trong cái vòng triển chuyển nói trên của pháp-giới hay của Đạo lý, cần hiểu rằng thần-lực của Chư Phật chi phối cả toàn bộ vòng triển-chuyển, chứ không phải chỉ riêng chi phối chiều hướng trờ về Tâm mà thôi. Vì sao vậy? Là vì Chư Phật tức là Diệu tâm, còn Vô minh chỉ là cái bóng mờ của Diệu tâm. Bởi thế nên tất cả mọi tác động thi vi của Ma vương đều chỉ là tùy theo nghiệp của chúng sanh mà xuất hiện, và cũng đều nằm trong vòng chi phối của thần lực Chư Phật. Và cũng bởi thế nên trong pháp hội Đại định Thủ lăng nghiêm, Ma vương chỉ mới nghe đến danh-tự của kinh, mà cả 2 chân 2 tay đều bị trói chặt với cần cổ, không thể thi thố việc quậy phá được nữa...
TẠI SAO KHỞI VỌNG?
Biển Chân-tâm diệu minh đã nói ở trên rồi, nay nói về: Tại sao khởi Vọng? Và Vọng là cái chi chi?
Lẽ dĩ nhiên là những câu hỏi ấy cũng đều là do vọng thức phân biệt cả. Nhưng chúng ta vốn là phàm phu sống trong thế giới nhị biên vọng thức từ thời vô thủy, nên vẫn cần đến ngôn từ để hỏi và để đáp, để trao đổi sự hiểu biết với nhau, để cùng tìm một con đường ra khỏi vọng và CHUYỂN Vọng thành Chân.
Muốn hình dung mường tượng được ít nhiều về cái bí-ẩn của sự KHỞI VỌNG, thiết tưởng cần lưu tâm suy nghĩ về mấy hình-ảnh cùng mấy đoạn kinh-luận sau đây:
1. Hình ảnh thứ nhất là: khi ánh sáng mặt trời xuyên qua 1 tấm lăng kính tam giác bằng thủy tinh, thì làm phát hiện một quang-phổ (spectre luminuex) có 5 màu hay 7 màu. Ánh dương xuyên qua 1 làn mưa bụi, cũng làm phát hiện một ảnh tượng cầu vồng (arc-en-ciel) hay quang-phổ có 5 hoặc 7 màu. #
Ánh sáng mặt trời, vốn màu trắng tức là gần như không màu, nay lại làm phát-hiện 7 màu... Như thế thì là thế nào?
Như thế nghĩa là: ánh sáng mặt trời vốn cùng 1 màu trắng, vốn là THUẦN NHẤT, vốn là MỘT, nay chạm phải một lớp LƯU NGẠI (tức tấm lăng-kính hay làn mưa bụi), nên trở thành SAI BIỆT, mất cái thuần nhất, chuyển động CHẬM lại, trở lại TỰ GIAO THOA (interférer) với nhau, và làm phát-hiện một quang-phổ sai biệt có 7 màu.
Vậy thì có thể nói rằng: cái tác động TRỞ LẠI TỰ GIAO THOA tức KHỞI VỌNG
Cái 7 màu kia là vọng, vì nó được phát hiện ra, chứ đâu phải uyên-nguyên là thực có?!... Vậy nó từ đâu mà phát hiện, từ đâu mà tới? Từ tấm lăng kính chăng? Không phải, vì tấm lăng kính cũng chỉ là một duyên thứ yếu... Cũng không phải từ hư-không, vì hư-không cũng là một duyên thứ-yếu, là nơi môi-trường hoạt dụng thôi.
Vậy thì nó tới từ ánh sáng mặt trời chăng? Theo lối nhìn của thế gian, thì có thể tạm gọi là như vậy, tạm coi ánh sáng mặt trời là Sanh-nhân của 7 màu. Nhưng ánh sáng ấy phải quay-trở-lại-tự-giao thì mới có 7 màu. Và ánh sáng có thể tạm coi là Chân.
Nhưng nếu ta chuyển lối nhìn lên cao hơn nữa, sâu hơn nữa, thì sẽ nhận thấy rằng: ánh sáng cũng chỉ là một Duyên thôi, tuy là duyên có vẻ chính yếu. Vì thực ra, cả ánh sáng trắng cùng 7 màu đều đột khởi lên như-huyễn như-hóa từ nơi Chân-không mà thôi.
Trở lại giáo lý nhà Phật, thì ánh sáng trắng kia có thể tạm so sánh với tâm-thức chúng sanh, còn quang-phổ 7 màu có thể so sánh với những cảnh giới huyễn-hiện của pháp giới.
Tóm lại, Tự giao thoa là Khởi vọng, khởi vọng thì quang minh chuyển động chậm lại và đi theo đường cong. Chậm lại cà xoay tròn nên hiện tướng, làm LÓE lên tướng. Lóe lên hình tướng nên có ảnh-tượng sự-vật ...Và như thế, Tâm vô tướng mạo đã chuyển hiện thành Vật....Đó là cái Ma-lực (sortilège) lạ lùng của những ánh-biến-hiện của quang minh..., của quang minh tâm thức...
2. Hình ảnh thứ 2: Kinh Lăng Nghiêm, trang 215, Phật có nhắc chúng ta rằng: “Nếu một người ngồi nhìn CHĂM CHÚ vào hư không, thì chừng giây lâu, con mắt bị MỆT MỎI, và người đó thấy những HOA ĐỐM xuất hiện nơi hư không...” #
Một buổi sáng hay trưa có ánh nắng, ngồi nơi đồng lúa, ta đưa mắt nhìn vào hư không. Lúc đầu, nếu ta nhìn một cách hồn nhiên, không CHĂM CHÚ, không DỤNG TÂM, không hữu-tâm, không mong cầu, không móng-niệm gì hết, thì ta thấy hư-không trong sáng như bình thường, không bợn một mảy mún vật gì hết... Nhưng nếu ta cứ chăm chú giương mắt nhìn hư không trong một giây lâu, để cố tìm một bợn gì trong ấy, thì lần lần sẽ thấy có những con “loăng quăng ánh sáng” nhẩy múa loạn xạ... Nhưng nếu ta dụi mặt, không nhìn nữa hoặc không chăm chú nữa, thì hoa đốm lại hết.
Cho nên, Kinh dạy: sự chăm chú đó, việc dụng-tâm móng-niệm mong cầu đó chính là niệm-mê-mờ vô thủy, chính là Vô-minh, chính là khởi vọng. Trong hư-không ấy vốn không có gì, nhưng ta cứ giương mắt nhìn, giương mắt chiếu soi, để cố tìm một cái gì, thì con mắt bị mỏi mệt. Mỏi mệt này tức là Nghiệp, tức là sức Hành của Nghiệp, và nó làm LÓE lên những ảnh-tượng hoa-đốm mà ta tưởng là vật thực có... Trong Bản giác Diệu-tâm cũng vậy, tuyệt nhiên chẳng có một vật, chỉ có hồn nhiên trong-sáng-tròn-đầy-hào-quang-tột-bực-thôi. Nhưng bỗng nhiên, do một niệm mê-mờ, có một cái Xoáy-quang-minh (tourbillon de radiations) lại móng niệm nghĩ rằng Mình là hiện-hữu, rồi lại khởi dụng tâm muốn chăm chú Chiếu-soi. Nhưng chiếu soi cái gì đây? Ngoài cái biển Diệu tâm ra, thì tuyệt nhiên chẳng có gì khác cả... nên cái Xoáy-quang-minh ấy đành phải QUAY TRỞ LẠI TỰ CHIẾU SOI vào Biển Diệu tâm. Do tác động mê-mờ ấy, nên có LÓE lên vô vàn những cảnh-giới huyễn hiện của vọng thức, mà chúng sanh tưởng là thực có..Uyên-nguyên của pháp giới này là như vậy.
Cần nói rõ hơn nữa về cái hư-không và người ngồi nhìn chăm chú... Hư-không là cái gì? Kinh Lăng Nghiêm dạy rằng: Hư-không là do những vọng-tưởng-mê-muội-vi-tế của chúng sanh kết thành, còn những vọng-tưởng kiên-cố thô kệch tích lũy từ vô thủy thì lóng lại kết thành những sắc-tướng của vật.. Vậy thì đối với kẻ ngồi nhìn chăm chú kia, hư-không chẳng phải là gì xa lạ cách biệt, vì nó được dệt nên bởi chính những quang-minh của Tàng thức kẻ ấy. Hư-không ấy dung thông với Tàng thức, và một phần nào chính là Tàng thức của kẻ ấy. Song những quang minh của Tàng thức đều rất vi-tế, và chuyển động cực kỳ mau lẹ.
Nay kẻ đó vô tình lại ngồi chăm chú nhìn vào hư-không. Tức là nhìn và cố chiếu soi vào cái hiện-tướng của chính Tàng thức của mình. Tức là nhìn và cố chiếu soi vào cái hiện-tướng của chính Tàng thức của mình. Cố chiếu soi tức là tác-ý mạnh mẽ, và tác-ý mạnh-mẽ thì tạo nên một lớp Lưu-ngại vô-biểu-sắc, một tấm lăng-kính vô biểu sắc… Tác ý và dụng tâm là thuộc về thức thứ 6, tức ý-thức và thức thứ 7. Sự rung động mạnh mẽ của những làn sóng quang minh thuộc ý-thức này, lần lần tạo nên 1 số âm-hưởng (ré sonances). Những âm-hưởng này lọt được vào Tàng thức, và chiêu dụ được một số quang minh rất vi-tế của Tàng thức. Vì chịu sức chiêu dụ, nên những quang minh này lần lần nặng nề hơn, chuyển động chậm lại, rồi xoay tròn. Và hiện tướng thành những hoa-đốm nhảy múa loạn xạ....
Nay nếu nói về THỜI GIAN, thì cũng tương tự như vậy. Thời gian vốn là một vọng-tưởng lớn của mỗi chúng sanh hay mỗi loài chúng sanh. Và đối với chúng sanh ấy, trong cái lúc ấy, thì thời gian xuất hiện DÀI hay NGẮN là tùy thuộc vào thế-tốc chuyển động (speech) của những quang minh tâm thức của chúng sanh ấy. Và thế tốc này thì lại tùy thuộc vào mức độ móng-niệm và tình-nhiễm trong lúc đó... Tỷ dụ như trong buổi sáng hôm đó, ta cứ hồn nhiên sinh hoạt theo nhịp điệu thương ngày, không móng niệm, không tác ý, không dụng tâm, không mong cầu, thì ta sẽ thấy buổi sáng trôi qua lẹ làng. Trái lại, nếu ta tác ý mong cầu chờ đợi 1 chuyện gì, thì thấy buổi sáng kéo dài lê thê. Là vì khi ta mong cầu, thì tình nhiễm ưa-ghét thường nổi lên trong tâm thức, tình nhiễm này thường làm nặng nề những quang minh do tâm thức phát ra, và khiến chúng chuyển động chậm lại. Do đó, thời gian xuất hiện dài hơn. Lại tỷ dụ như một người vào định, vào định có nghĩa là rất ít móng niệm hoặc không móng niệm, các tình-nhiễm gần như gột sạch, nên quang minh tâm thức trở thành rất nhẹ nhàng và chuyển động rất nhanh. Nên người đó có thể ngồi trong định vài ngày hoặc 1, 2 tháng, và khi xuất định, thấy thời gian trôi qua lẹ như khảy móng tay...
Cho nên, có thể nói rằng: mọi sự móng niệm, dụng tâm, tác ý, khởi tình nhiễm... đều là Khởi Vọng, chuyển CHÂN thành VỌNG. Chân cũng tương tự như hư-không, như 1 màng lưới vô tướng mạo, vẫn là cái Trường-lực uyên nguyên. Nhưng nếu ta khởi vọng, vứt vào đó một ít tình nhiễm, thì những hạt tình nhiễm này sẽ tạo những điểm trũng (holes) ở nơi màng lưới đó... Theo trong kinh, thì Biển Chân-tâm thường được gọi là Bất-động. Nhưng Bất-dộng ở đây không có nghĩa là ù-lỳ, mà là Cực-động, thế-tốc không thể mường-tượng nổi, và vượt ra ngoài không-thời gian... còn vọng thì cũng có nghĩa là Động, nhưng động trong cái Sai-biệt, tức là Lay-động tương đối rớt vào vòng kiềm tỏa của Không-Thời gian...
3. Lời dạy của Ngài Mã Minh: #
Trong bộ Đại Thừa Khởi Tín, Ngài dạy: “Do KHÔNG THẬT BIẾT pháp Chân-như, nên tâm Bất-giác nổi lên, liền khởi vọng-niệm. Song vọng niệm vì không có thật-thể, nên chẳng rời Bản-giác Chân-như...”
Không thật biết pháp Chân-như là thế nào? Nghĩa là: bỗng QUÊN, không biết rằng chính mình là cái Biển Chân-như ấy, vốn là Trong-sáng-nhiệm-màu tột bực, thường Diệu thường Minh. Cũng tương tự như 1 lượn sóng nơi Biển cả, bỗng quên, không biết rằng mình chính là Biển cả, chính là biển hào quang, lại khởi tâm muốn chiếu soi. Nhưng chiếu soi gì đây? Ngoài cái biển hào quang ấy ra, tuyệt nhiên chẳng có gì khác !? nên chỉ có thể Quay đầu TRỞ LẠI TỰ CHIẾU SOI vào chính mình (retour reflexif de toute conscience). Do đó, làm LÓE lên mọi cảnh giới hư vọng. và cũng tương tự như con Rắn trong thần thoại, có cái thân dài lê thê, một lúc chợt quay đầu lại, thấy cái đuôi ngọ nguậy, bỗng quên rằng cái đuôi ấy chính là mình, nên cứ xoay tròn trong vô lượng kiếp để đuổi theo nắm bắt cái đuôi của chính mình. Và sự xoay tròn triền-miên của con rắn có thể ví như sự bập bềnh giao động triền miên của Vọng-thức chúng sanh.
4. Lời dạy của Kinh LĂNG NGHIÊM: #
Trong kinh này, lời dạy của Phật cũng có thứ lớp:
Lúc đầu, khi Ngài Phú Lâu Na đứng lên thưa hỏi rằng trong cái Chân tâm bản thiên thanh tịnh ấy, tại sao lại thấy phát hiện núi sông sơn hà đại địa…thì Phật dạy câu đầu tiên: “Tánh giác vốn diệu minh, Bản giác vốn minh diệu…”
Đây là Phật nói về cái Diệu tâm. Tánh giác tức là Giác thể, tức là Bản giác hay Diệu tâm. Ngài nhắc lại 2 lần, để nhấn mạnh rằng Tâm ấy vốn Diệu vốn Minh, và để tiêu trừ những kiến chấp lệch lạc của hàng Thanh văn về cái Tâm ấy.
Ý của Ngài là muốn dạy rằng: “Các ông là hàng Thanh văn, theo Ta đã lâu ngày, nhưng Ta cũng ít khi giảng nói rõ với các ông về Diệu tâm này. Các ông đã siêng năng trì giới, thiền quán, vào được 9 thứ định, đạt được thứ huệ Bát Nhã của Thanh văn về Ngã-không, diệt được những phiền não mầm sống sanh tử, nên vượt được Phần-đoạn-danh-tử, có thể ra khỏi 3 cõi. Các ông đã lọt vào Tàng thức tức Thức ấm rồi, lại thấy Tàng thức được gột sạch mọi phiền não, thấy mình lâng lâng chẳng bợn chút trần ai, nên hay nghĩ là mình đã tới bến rồi, và đa-số thường mắc bệnh “Triền-không” và ngồi ỳ nơi đó. Không hiểu rằng những cái mà mình đã gột sạch được mới chỉ là Vô-minh chi mạt thô kệch, tức là Sự chướng thôi. Tiềm phục sâu hơn nữa, còn phần Vô-minh căn bản cực kỳ vi-tế. Và cần phải gột nốt và chuyển những phần Vô-minh căn bản này, thì mới chuyển được thành Bạch-tịnh-thức và trôi vào Biển Diệu giác… Cũng vì dòng Vô-minh này vẫn còn biến dịch lưu chuyển trong tâm thức, nên các ông vẫn còn pháp-chấp, vẫn chưa được Tự-tha vô ngại, vẫn chưa thể ôm trọn pháp giới vào thân tâm mình.
Do đó, chưa hiểu nổi cái kỳ-diệu của Diệu tâm này, cũng như chưa thể thấy rõ được cái bí-ẩn của sự Khởi vọng. Vì khởi vọng là ở nơi tột-bờ-mé, ở sự khởi lên của cái màn Vô-minh cực kỳ vi tế, mà đạo nhãn của các ông chưa nhìn nổi.
Từ trước đến này, các ông thường chăm chú nghĩ rằng: có những phiền não cũng vô-minh (chi mạt), cần phải gột cho sạch. Và do công phu siêng năng lau chùi gột rửa ấy, nên vô minh ngày càng tiêu trừ, và Tâm ngày càng sáng tỏ, ngày càng trở thành Minh.
Nhưng đó là một kiến chấp sai lầm. Vì nếu quả thực cái Tâm đó cần phải lau chùi thì mới Minh ra được, thì làm sao mà giải thích nổi cái bí-ẩn của kiếp sống và của pháp giới này?!...Nếu Tâm đó là do lau chùi mới có được, nghĩa là trước-không-nay-có, thì chẳng hóa ra Tâm cũng là pháp nhân-duyên hay sao?! Nếu thế thì Chư Phật Thế tôn nhiều như vi-trần cũng chẳng còn chút gì là huyền-nhiệm lạ lùng nữa?! Và nếu các ông chỉ suy nghĩ sâu hơn một chút, thì sẽ thấy rằng pháp-giới này chẳng thể là gì khác, mà chỉ có thể gọi là kỳ diệu lạ lùng…
Bởi thế, nên các ông cần phải học, và ghi tâm khắc cốt lời này: cái Tâm ấy nó vốn DIỆU vốn MINH. Nó là bất-khả-thuyết, không thể nghĩ bàn. Nó vốn Trong-sáng-tột-bực,chẳng cần phải ai lau chùi hết, và hào quang của nó, thì đạo-nhãn của các ông chưa chịu đựng nổi. Nó lại vô cùng kỳ diệu, vì có thể làm LÓE lên mọi cảnh giới… Vô-minh cũng khởi lên tự nó, và tuy có hằng khởi, nhưng Vô-minh vốn không có thực thể, nên vẫn phải nương vào Diệu tâm. Và chỉ có Tâm này mới là Thật thể, mới là Thật tướng thôi…
Đó là lời dạy của Ngài về Diệu tâm, cho những bậc Thanh văn.
Sau đó chừng ít trang, Phật lại dạy về sự Khởi vọng. Dạy bằng 1 câu chuyện có thực, xảy ra trong thành Thất la phiệt, câu chuyện của chàng Diễn nhã đạt đa.
Chuyện anh chàng này cũng hơi tương tự như chuyện chàng Narcisse trong thần thoại Hy-lạp, đam mê cái dung nhan Tống ngọc của mình, nên hay ra đứng bờ suối, soi bóng mình xuống dòng nước. Nhưng câu chuyện của Diễn nhã rõ rệt và thâm sâu hơn.
Lời Phật kể sơ sài như sau: “Này Phú Lâu Na! Như trong thành Thất la phiệt này, có anh Diễn nhã đạt đa, buổi sớm lấy gương soi mặt, bỗng nhiên ưa cái đầu trong gương, cùng lông mày con mắt có thể thấy được…Rồi giận trách cái đầu mình, sao lại không biết nhìn thấy mặt mày, cho là giống yêu quái, rồi không cớ gì phát cuồng bỏ chạy….Ý ông nghĩ sao? Người đó vì nguyên nhân gì mà phát cuồng bỏ chạy?!...
Thiển nghĩ có thể phân tích lời dạy trên như sau:
a) -Buổi sớm lấy gương soi mặt: anh chàng Diễn nhã cứ tiếp tục hiện hữu một cách hồn nhiên thì không sao cả. nhưng 1 buổi sớm, bỗng Móng-niệm muốn CHIẾU SOI cái bản mặt mình trong GƯƠNG…Tức là móng niệm muốn TỰ CHIẾU SOI, muốn ngắm nghía cái bản mặt của mình, và như thế là tự tạo 1 tấm lăng-kính lưu-ngại, và làm LÓE lên (miroitement) một HƯ ẢNH.
Đó là sự khởi vọng uyên-nguyên, là niệm-mê-mờ-vô-thủy, muốn tự chiếu soi, muốn tự ngắm nghía mình.
Cũng tương tự như Tâm chúng sanh, bỗng quên mình là trong-sáng-tột-bực, viên mãn nhiệm-mầu, diệu-dụng vô cùng, rồi móng niệm muốn chiếu soi, muốn ngắm nghía. Nhưng chiếu soi cái gì, vì ngoài Tâm ra chẳng có gì khác?! Nên đành quay lại chiếu soi chính mình, và làm LÓE lên đủ mọi thứ hư-ảnh tức là cảnh giới…Trong sự khởi vọng này, Tâm chúng sanh tự lìa bỏ cái viên mãn nhiệm màu tức là Diệu, và chỉ giữ lại được 1 chút hư-minh của cái Minh, để tiếp tục le lói chiếu soi.
b)-Nhưng không phải chỉ có thể.. Khi hư-ảnh lóe lên trong gương rồi, thì Diễn nhã lại bồi thêm một lớp vọng thứ 2 nữa. Là vì anh ta nhìn thấy cái mặt trong gương, nhưng lại KHÔNG NHẬN RA rằng cái bản mặt đó chính là mình, mà cứ tưởng là của 1 kẻ khác.
Đó là lớp vọng thứ 2.
Cũng tương tự như Tâm chúng sanh, khi tự chiếu soi và làm lóe lên đủ mọi hư-ảnh cảnh-giới rồi, lại vẫn tiếp tục u-mê, không nhận ra rằng những cảnh giới ấy đều là do tâm thức mình xoay vần miên viễn rồi tạo dựng nên. Và cứ tưởng rằng cảnh-giới là có thực, và biệt lập với mình?!...
c)-Rồi lại thấy cái mặt mũi trong gương thật là phương phi đẹp đẽ, và khởi tâm ƯA THÍCH cái mặt đó.
Đó là lớp vọng thứ 3.
Cũng tương tự như Tâm chúng sanh trở thành đắm nhiễm, ưa thích say mê những cảnh-giới huyễn hiện, rồi trôi lăn chạy theo chúng, ngày càng xa Chân tâm.
d)-Đã đắm say mê mệt cái mặt mũi trong gương rồi, nên Diễn nhã lại khởi thêm nhiều mê-vọng chằng chịt nữa: bỗng nghĩ rằng cái mặt trong gương có đầu hẳn hoi, vậy chắc là mình cũng có đầu…Nhưng ủa! nếu mình cũng có đầu, thì tại sao cái đầu mình nó lại không trông thấy mặt mình? Hay mình mất đầu? Hay đầu mình là ma quái?!...Rồi bỗng nhiên phát cuồng, chạy khắp phố phường la lối để kiếm cái đầu?!...Trong khi cái đầu vẫn lừng lững ở trên cần cổ…
Đó là những lớp vọng chồng chất chằng chịt.
Cũng tương tự như Tâm chúng sanh, khi đã lạc bước vào mê-đồ-ảo-phố của Vọng rồi, thì mỗi cất chân nhấc tay, mỗi lời nói, mỗi tâm niệm…đều chỉ là đi từ vọng đến vọng. khiến cho lăng xăng chạy Đông chạy Tây, lên lên xuống xuống không ngừng trong các nẻo luân hồi, lúc nào cũng mơ màng la lối, muốn tìm kiếm cái Tự-ngã hay cái Tâm của mình. Mà không biết rằng Tâm ấy vẫn SỜ SỜ ra đó, và không có 1 sát nao nào mà mình không nương tựa vào nó, không sử dụng đến cái trường-lực của nó…
Sau khi kể câu chuyện Diễn nhã, Phật dạy: “Này Phú Lâu Na! Ấy cái Mê-vọng nó là như vậy. Nó tương tự như một cơn mê sảng, một giấc chiêm bao. Một cơn mê sảng thì làm sao có nguyên nhân được?! Vì nếu có nguyên nhân, thì lại không còn mê sảng…”
Cũng tương tự như trong Đạo-đức-kinh, Ngài Lão Tử nói rằng:: Trong cái vòng Hư-vô đó, bỗng DO HỐT DO HOẢNG… rồi Nhất sanh Nhị, Nhị sanh Tam… mà sanh ra các vật…” Nhưng Lão Tử chưa chỉ rõ được rằng cái vòng Hư-vô đó chính là cái Tâm mê vọng của chúng sanh.
Hoặc như bên Bà la môn giáo nói rằng: “Vũ trụ này chỉ là một giấc chiêm bao của Đấng Phạm thiên…” Lời nói này, tuy hàm chứa nhiều chân lý, nhưng lối nhìn còn sặc mùi thế tục, và nhiều thiên trọng nhân-ảnh-hóa . vả lại, nếu đấng sáng tạo Phạm thiên mà còn nằm chiêm bao, thì đâu còn có thể gọi là đấng Tự-tại được nữa?! Một đấng Sáng tạo Phạm thiên mà còn nằm chiêm bao. Tỷ dụ như Phật, là bậc đã gột sạch mọi lớp mê-vọng, nên tuyệt nhiên không bao giờ chiêm bao mộng mị...
Điểm “mê-vọng không nguyên nhân” này, là điểm không thể nghĩ bàn của mọi bản-thể-luận (ontologie). Nó tương tự như một thứ Kẽ-hở-uyên-nguyên (hiatus hay fissure originelle) của mọi bản thể luận, một thứ định-đề (postulat) khó thể miêu tả được, mà chúng ta phải chấp nhận.... Kẽ hở uyên nguyên, vì chuyển từ lãnh vực Vọng thức sai biệt lên chỗ Tột-bờ-mé, để bước sang bình diện Vô sai biệt... Nên nhà Phật nói: Pháp nhĩ như thị. Và tuy nó là một cơn mê sảng, nhưng nó lại HẰNG KHỞI trong tâm chúng sanh. Vì hằng khởi, nên bất-tư-nghì....
Rồi sau đó chừng vài chục trang, Phật lại dạy thêm 2 câu kệ:
Tự-tâm TRỞ LẠI chấp Tự-tâm,
Không phải huyễn, trở thành Pháp Huyễn...
Ý nghĩa câu này rõ rệt là: tự-tâm ấy trở lại TỰ CHIẾU SOI, nên làm LÓE lên vô lượng cảnh giới. Biển tâm vốn không phải huyễn, nhưng vì mê-vọng, đã làm lóe lên những cảnh giới huyễn hiện không cùng không tận...
Thế là Tâm đã chuyển thành Thức, rời bỏ cái Trạm nhiên vô tướng mạo, để mở cuộc hành trình di vào con đường hiện-tượng-hóa (processus phénomé nologique), vào cái Nhiều, vào Vô lượng.
Chương 3 kế tiếp sẽ trình bày về cái Vòng Huyền-hiện này của THỨC BIẾN.