Kinh đại phật đảnh thủ lăng nghiêm - quyển 7

Hán dịch: Sa môn Bát Lạt Mật Đế
Việt dịch: Cư sĩ Hạnh Cơ
Nguồn: thienphatgiao.org

Quyển 7

– Này A Nan! Thầy hỏi về cách nhiếp tâm thì Như Lai vừa nói đó: Người muốn vào chánh định, tu học pháp môn vi diệu, cầu đạo Bồ-tát, trước hết phải giữ gìn bốn giới luật căn bản, trong sáng như giá như sương, thì tự nhiên tất cả những cành lá như ba lỗi của ý, bốn lỗi của miệng, sẽ không có nguyên nhân để phát sinh. A Nan! Nếu giữ gìn thật nghiêm cẩn bốn giới trọng kia, thì tâm người ấy còn không duyên theo các trần sắc, hương, vị, xúc, huống chi tất cả ma sự, làm sao phát sinh được! Nếu những tập khí đời trước không thể diệt trừ, thầy nên dạy người ấy hãy nhất tâm trì tụng thần chú vô thượng “Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát Ra”, do đức hóa Phật ngồi trên tòa sen báu, hiện ra từ ánh sáng trong nhục kế trên đỉnh đầu của Như Lai, đã tuyên thuyết trong lúc Như Lai nhập định.

Riêng về thầy, trải từ nhiều kiếp trước đã có nhân duyên cùng với nàng Ma Đăng Già, ái ân đã thành tập khí, không phải chỉ một đời một kiếp này đâu. Thế mà, chỉ một phen Như Lai tuyên dương thần chú, Ma Đăng Già liền vĩnh viễn lìa thoát tâm ái dục, chứng thành A-la-hán. Khi còn là dâm nữ, nàng không có tâm tu hành, chỉ nhờ thần lực không lường của thần chú trợ giúp mà mau chóng chứng quả vị Vô-học! Huống chi quí thầy là hàng Thanh-văn trong chúng hội, đang hướng tâm cầu đạo Tối thượng thừa, thì quyết định sẽ thành Phật, giống như tung bụi thuận theo chiều gió, nào có khó khăn gì!

Trong đời mạt pháp, nếu có người phát tâm tu hành, trước hết phải giữ bốn cấm giới căn bản của tì kheo thật thanh tịnh. Khi thọ giới, cần chọn lựa vị sa môn giới hạnh thanh tịnh bậc nhất để làm thầy mình. Nếu không gặp được đại tăng chân thật thanh tịnh, chắc chắn giới thể không thành tựu được.

Sau khi giới đã được thành tựu, vị ấy đắp y mới, sạch sẽ, thắp hương trong phòng vắng vẻ, tụng thần chú do tâm Phật nói ra này, một trăm lẻ tám biến; sau đó mới kiết giới, dựng lập đạo tràng, cầu xin các đức Như Lai hiện ở các quốc độ khắp mười phương, phóng ánh sáng đại bi đến rọi nơi đỉnh đầu mình.

Này A Nan! Vào đời mạt pháp, nếu có tì kheo, tì kheo ni thanh tịnh, hoặc cư sĩ áo trắng, tâm đã dứt tham si dâm ái, nghiêm trì tịnh giới của Phật, ở trong đạo tràng phát nguyện Bồ-tát, ra vào tắm rửa, suốt ngày hành đạo, tâm ý tỉnh thức; như thế trải qua hai mươi mốt ngày, Như Lai sẽ tự hiện thân đến trước người ấy, xoa đầu ủy lạo, khiến cho khai ngộ.

Đại đức A Nan bạch Phật rằng:

– Bạch đức Thế Tôn! Con nhờ lời dạy bảo từ bi vô thượng của đức Thế Tôn mà tâm đã được khai ngộ, tự biết con đường tu chứng để thành tựu đạo quả Vô-học. Nhưng, những người tu hành trong đời mạt pháp, muốn dựng lập đạo tràng, họ phải kết giới như thế nào cho phù hợp với pháp tắc thanh tịnh của Chư Phật Thế Tôn?

Đức Phật dạy đại đức A Nan:

– Nếu người ở đời mạt pháp muốn lập đạo tràng, trước tiên hãy tìm loài trâu trắng sức mạnh ở núi Tuyết, loài trâu này chỉ ăn cỏ thơm ngon mướt và uống nước trong trên núi Tuyết, phân của nó mịn màng; nên lấy phân ấy trộn với bột hương chiên đàn để tráng lên mặt đất làm nền. Nếu không phải trâu trắng ở núi Tuyết thì phân hôi hám, không thể dùng tráng nền được. Riêng ở vùng đồng bằng, hãy đào sâu xuống đất hơn năm thước, bỏ lớp đất trên mặt ấy, lấy lớp đất vàng sạch ở phía dưới; lại dùng mười thứ hương là chiên đàn, trầm thủy, tô hợp, huân lục, uất kim, bạch giao, thanh mộc, linh lăng, cam tùng, và kê thiệt, đem rây nhuyễn thành bột, rồi trộn với đất vàng ấy thành bùn để đắp nền, kiến tạo đàn tràng hình bát giác, mỗi bề dài một trượng sáu. Ở trung tâm của đàn tràng, đặt một hoa sen làm bằng vàng, bạc, đồng, hay gỗ; giữa hoa đặt một cái bát, trong bát đựng nước mù sương tháng Tám, trong nước tùy ý cắm các hoa lá hiện có. Dùng tám chiếc gương tròn, mỗi chiếc để theo mỗi hướng, chung quanh hoa sen đựng bát nước. Bên ngoài tám chiếc gương ấy, đặt mười sáu hoa sen và mười sáu lư hương xen kẽ nhau. Lư hương trang hoàng đẹp đẽ, đốt thuần hương trầm thủy, không cho cháy thành ngọn lửa. Lấy sữa trâu trắng để trong mười sáu cái chén. Nấu sữa làm bánh, cùng các thứ đường cát, bánh rán, cháo sữa, tô hợp, mứt gừng, bơ, mật, mỗi thứ đều mười sáu chén, đặt phía ngoài vòng quanh các hoa sen, cúng dường chư Phật và chư đại Bồ-tát. Vào giờ ngọ và lúc nửa đêm, lấy nửa thăng mật hòa với thăng rưỡi bơ, đặt một lò lửa nhỏ ở trước đàn, dùng cỏ thơm nấu lấy nước thơm để rửa than cho sạch; rồi đốt than cho đỏ hừng, bỏ mật bơ vào, đốt cho hết khói, cúng dường chư Phật và Bồ-tát.

Bên ngoài đàn tràng, treo phướn, giăng hoa khắp bốn phía; trên bốn bức vách phía trong đàn, treo hình tượng của các đức Như Lai và Bồ-tát mười phương. Ở chánh vị, tôn trí các hình tượng của Phật Lô Xá Na, Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, Phật A Súc, Phật A Di Đà; hai bên tả hữu là các hình tượng đại biến hóa của Bồ Tát Quán Thế Âm, và cả Bồ Tát Kim Cang Tạng. Hai bên cửa thì treo hình tượng Đế Thích, Phạm Vương, Hỏa Đầu Kim Cang, Thanh Diện Kim Cang, các thần Kim Cang khác, cùng thần Tì Câu Chi, bốn vị Thiên Vương, Trư Đầu Sứ Giả, Tượng Tị Sứ Giả. Lại dùng tám chiếc gương treo úp trên không rọi xuống, đối chiếu với tám chiếc gương đã có sẵn trong đàn tràng, làm cho hình ảnh chư Phật và Bồ-tát lồng nhập vào nhau, ảnh hiện trùng trùng nhiều lớp.

Trong bảy ngày đầu, hành giả chí thành đảnh lễ danh hiệu chư Phật, chư đại Bồ-tát, chư A-la-hán. Thường trong sáu thời, chí tâm hành trì, đi quanh đàn tụng chú Lăng Nghiêm, mỗi thời một trăm lẻ tám biến.

Trong bảy ngày thứ hai, một mực chuyên tâm, phát nguyện Bồ-tát, tâm không gián đoạn. Trong Luật Nghi của Như Lai đã có dạy về những hạnh nguyện như thế.

Trong bảy ngày thứ ba, trong cả mười hai giờ, chuyên nhất trì tụng thần chú “Bát Đát Ra”của Phật. Đến ngày thứ bảy, mười phương Như Lai cùng lúc xuất hiện trong đàn tràng, nơi ánh sáng của các chiếc gương giao nhau. Hành giả được Phật xoa đầu, bèn ở nơi đạo tràng tu pháp chánh định. Tuy ở trong đời mạt pháp, mà tu trì được như thế, hành giả vẫn được thân tâm thanh tịnh, trong sáng như ngọc lưu li.

Này A Nan! Vị tì kheo đang tu trì ấy, nếu vị bổn sư truyền giới và những vị tì kheo đồng tu, nếu một trong các vị ấy không thanh tịnh, đạo tràng như thế phần nhiều là không thành tựu.

Ba thất đầu đã mãn, từ đó trở đi, tĩnh tọa an cư, trải qua một trăm ngày, người có lợi căn, không rời chỗ ngồi mà chứng được quả Tu-đà-hoàn. Dù thân tâm vị ấy chưa trọn thành thánh quả, nhưng nhất định tự biết quả Phật sẽ thành, không còn nghi ngờ gì nữa!

Thầy hỏi về đạo tràng, thì cách kiến lập là như thế.

Đại đức A Nan đảnh lễ chân Phật, bạch rằng:

– Bạch đức Thế Tôn! Từ khi con xuất gia, cứ ỷ lại vào lòng thương yêu của đức Thế Tôn; và vì cầu sự đa văn mà chưa chứng thánh quả Vô-học, phải bị tà thuật Phạm-thiên trói giam, tâm tuy vẫn sáng suốt nhưng sức chẳng tự do, phải nhờ Bồ Tát Văn Thù mà con mới được giải thoát. Tuy con được thần chú Như Lai Phật Đảnh ngầm giúp sức, nhưng chính mình thì chưa được nghe. Cúi xin đức Đại Từ tuyên thuyết trở lại thần chú ấy, trước là thương xót cứu độ cho bọn đang tu hành chúng con trong pháp hội này; sau nữa, các chúng sinh trong kiếp luân hồi ở đời mạt pháp sau này, cũng nương nhờ mật âm của Phật mà thân tâm được giải thoát.

Khi ấy, tất cả đại chúng trong pháp hội đều đảnh lễ, chờ nghe những câu chú bí mật của Phật.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn, từ nơi đỉnh nhục kế phóng ra ánh sáng trăm báu. Trong ánh sáng hiện ra hoa sen ngàn cánh, có đức Như Lai hóa thân ngồi trong hoa sen ấy, trên đỉnh phóng ra mười vầng sáng bách bảo. Trong mỗi vầng sáng đều hiện ra mười Hằng sa thần Kim Cang Mật Tích, nhấc núi cầm xử, khắp cõi hư không. Đại chúng ngửa lên xem, vừa sợ vừa quí kính, cầu Phật thương xót che chở, một lòng chăm chú nghe đức Như Lai hóa thân ở nơi đỉnh nhục kế của Phật, tuyên nói thần chú:

namas tathāgatāya sugatāya arhate samyak-saṃbuddhāya
namas tathāgata-buddha-koṭy-uṣṇīṣaṃ
namas sarva-buddha-bodhi-sattvebhyaḥ
namas saptānāṃ samyak-saṃbuddha-koṭīnāṃ sa-śrāvaka-saṃghānāṃ
namo loke arhantānāṃ
namas srota-āpannānāṃ
namas sakṛdāgamīnāṃ
namo loke samyag-gatānāṃ samyak-pratipannānāṃ
namo devarṣīnāṃ
namas siddhyā vidyā-dhara-ṛṣīnāṃ śāpa-anu-graha-saha-samarthānāṃ
namo brahmaṇe
nama indrāya
namo bhagavate rudrāya umā-pati-sahāyāya
namo bhagavate nārāyaṇāya pañca-mahā-mudrā-namas-kṛtāya
namo bhagavate mahā-kālāya
tripura-nagara-vidrā-āpaṇa-kārāya adhi-mukti-śmaśāna-nivāsini mātṛ-gaṇa-namas-kṛtāya
namo bhagavate tathāgata-kulāya
namaḥ padma-kulāya
namo vajra-kulāya
namo maṇi-kulāya
namo gaja-kulāya
namo bhagavate dṛḍha-sūra-senā-pra-haraṇa-rājāya tathāgatāya arhate samyak-saṃbuddhāya
namo bhagavate namo’mitābhāya tathāgatāya arhate samyak-saṃbuddhāya
namo bhagavate’kṣobhyāya tathāgatāya arhate samyak-saṃbuddhāya
namo bhagavate bhaiṣajya-guru-vaiḍūrya-prabha-rājāya tathāgatāya
namo bhagavate saṃpuṣpitā-sālendra-rājāya tathāgatāya arhate samyak-saṃbuddhāya
namo bhagavate śākyamunaye tathāgatāya arhate samyak-saṃbuddhāya
namo bhagavate ratna-ketu-rājāya tathāgatāya arhate samyak-saṃbuddhāya
tebhyo namas-kṛtvā idaṃ bhagavatas tathāgata-uṣṇīṣaṃ sita-ātapatraṃ namo’parājitaṃ pratyaṅgiraṃ
sarva-bhūta-graha-nigrahaka-kara-hani
para-vidyā-chedanīṃ
akāla-mṛtyu-pari-trāyaṇa-karīṃ
sarva-bandhana-mokṣaṇīṃ
sarva-duṣṭa-duḥ-svapna-nivāraṇīṃ
caturaśītīnāṃ graha-sahasrāṇāṃ vidhvaṃsana-karīṃ
aṣṭa-viṃśatīnāṃ nakṣatrāṇāṃ pra-sādana-karīṃ
aṣṭānāṃ mahā-grahāṇāṃ vidhvaṃsana-karīṃ
sarva-śatru-nivāraṇam
ghorāṃ duḥ-svapnāṃ ca nāśanīṃ
viṣa-śastra-agni-udaka-raṇaṃ
aparājita-ghora mahā-bala-caṇḍa mahā-dīpta mahā-teja mahā-śveta-jvala mahā-bala
pāṇḍara-vāsinī ārya-tārā
bhṛ-kuṭīṃ ce va vijaya vajra-maletiḥ
vi-śruta-padmakaḥ vajra-jihvaś ca mālā ce va aparājitā-vajra-daṇḍaḥ
viśālā ca śānta śveteva pūjitā sauma-rūpā-mahā-śvetā-ārya-tārā
mahā-bala-apara-vajra-saṃkalā ce va vajra-kaumārī kulaṃ-dharī
vajra-hastā ca vidyā
kāñcana-mallikāḥ kusumbhaka-ratnaḥ
vairocana-kulīyāya artha-uṣṇīṣaḥ
vi-jṛmbha-mānī ca vajra-kanaka-prabha-locanā
vajra-tuṇḍī ca śvetā ca kamala-akṣaś śaśi-prabhā
ity-iti-mudrā-gaṇas sarve rakṣaṃ kurvantu imān mama-asya

oṃ
ṛṣi-gaṇa-pra-śastas tathāgata-uṣṇīṣaṃ
hūṃ trūṃ jambhana hūṃ trūṃ stambhana
hūṃ trūṃ para-vidyā-saṃ-bhakṣaṇa-kara
hūṃ trūṃ sarva-yakṣa-rākṣasa-grahānāṃ vidhvaṃsana-kara
hūṃ trūṃ caturaśītīnāṃ graha-sahasrānāṃ vidhvaṃsana-kara
hūṃ trūṃ rakṣa rakṣa māṃ
bhagavāṃs tathāgata-uṣṇīṣaṃ
pratyaṅgire mahā-sahasra-bhuje sahasra-śīrṣe koṭi-sahasra-netre
abhede jvalita-ataṭaka mahā-vajra-udāra-tri-bhuvana-maṇḍala
oṃ svastīr bhavatu mama imān mama-asya

rāja-bhayāś
cora-bhayā
agni-bhayā
udaka-bhayā
viṣa-bhayāḥ
śastra-bhayāḥ
paracakra-bhayā
dur-bhikṣa-bhayā
aśani-bhayā
akāla-mṛtyu-bhayā
dharaṇi-bhūmi-kampaka-pata-bhayā
ulkā-pāta-bhayā
rāja-daṇḍa-bhayā
nāga-bhayā
vidyud-bhayās
suparṇa-bhayā
yakṣa-grahā
rākṣasī-grahāḥ
preta-grahāḥ
piśāca-grahā
bhūta-grahāḥ
kumbhāṇḍa-grahāḥ
pūtana-grahāḥ
kaṭapūtana-grahās
skanda-grahā
’pa-smāra-grahā
unmāda-grahāś
chāya-grahā
revatī-grahā
jāta-āhārīnaṃ
garbha-āhārīnaṃ
rudhira-āhārīnaṃ
māṃsa-āhārīnaṃ
medha-āhārīnaṃ
majja-āhārīnaṃ
jāta-āhārīnīṃ
jīvita-āhārīnaṃ
pīta-āhārīnaṃ
vānta-āhārīnam
aśucya-āhārīnīṃ
citta-āhārīnīṃ
teṣāṃ sarveṣāṃ sarva-grahānāṃ vidyāṃ chedayāmi kīlayāmi
pari-vrājaka-kṛtaṃ vidyāṃ chedayāmi kīlayāmi
ḍākinī-kṛtaṃ vidyāṃ chedayāmi kīlayāmi
mahā-paśupati-rudra-kṛtaṃ vidyāṃ chedayāmi kīlayāmi
nārāyaṇa-kṛtaṃ vidyāṃ chedayāmi kīlayāmi
tattva-garuḍa-kṛtaṃ vidyāṃ chedayāmi kīlayāmi
mahā-kāla-mātṛ-gaṇa-kṛtaṃ vidyāṃ chedayāmi kīlayāmi
kāpālika-kṛtaṃ vidyāṃ chedayāmi kīlayāmi
jaya-kara-madhu-kara-sarva-artha-sādhaka-kṛtaṃ vidyāṃ chedayāmi kīlayāmi
catur-bhaginī-kṛtaṃ vidyāṃ chedayāmi kīlayāmi
bhṛṅgi-riṭi-nandikeśvara-gaṇa-pati-sahāya-kṛtaṃ vidyāṃ chedayāmi kīlayāmi
nagna-śramaṇa-kṛtaṃ vidyāṃ chedayāmi kīlayāmi
arhanta-kṛtaṃ vidyāṃ chedayāmi kīlayāmi
vīta-rāga-kṛtaṃ vidyāṃ chedayāmi kīlayāmi
vajra-pāṇi-guhya-guhyaka-adhipati-kṛtaṃ vidyāṃ chedayāmi kīlayāmi
rakṣa māṃ bhagavann imān mama-asya

bhagavat-sita-ātapatra-namo’stute
asita-nala-arka-prabha-sphuṭa-vi-kas-sita-ātapatre
jvala jvala dara dara bhidara bhidara chida chida
hūṃ hūṃ phaṭ phaṭ phaṭ phaṭ phaṭ svāhā hehe phaṭ
amoghāya phaṭ
apratihata phaṭ
vara-prada phaṭ
asura-vidāraka phaṭ
sarva-devebhyaḥ phaṭ
sarva-nāgebhyaḥ phaṭ
sarva-yakṣebhyaḥ phaṭ
sarva-gandharvebhyaḥ phaṭ
sarva-pūtanebhyaḥ phaṭ
kaṭa-pūtanebhyaḥ phaṭ
sarva-dur-laṅghitebhyaḥ phaṭ
sarva-duṣ-prekṣitebhyaḥ phaṭ
sarva-jvarebhyaḥ phaṭ
sarva-apasmārebhyaḥ phaṭ
sarva-śramaṇebhyaḥ phaṭ
sarva-tīrthikebhyaḥ phaṭ
sarva-unmādakebhyaḥ phaṭ
sarva-vidyā-rāja-ācāryebhyaḥ phaṭ
jaya-kara-madhu-kara-sarva-artha-sādhakebhyaḥ phaṭ
vidya-ācāryebhyaḥ phaṭ
catur-bhaginībhyaḥ phaṭ
vajra-kaumārī-vidyā-rājebhyaḥ phaṭ
mahā-praty-aṅgirebhyaḥ phaṭ
vajra-saṃkalāya praty-aṅgira-rājāya phaṭ
mahā-kālāya mahā-mātṛ-gaṇa-namas-kṛtāya phaṭ
viṣṇave phaṭ
brāhmaṇiye phaṭ
agniye phaṭ
mahā-kāliye phaṭ
kāla-daṇḍiye phaṭ
mātre phaṭ
raudriye phaṭ
cāmuṇḍiye phaṭ
kālā-rātriye phaṭ
kāpāliye phaṭ
adhi-muktaka-śmaśāna-vāsiniye phaṭ
ye ke cittās sattvāsya mama imān mama-asya

duṣṭa-cittā
amitrī-cittā
oja-āhārā
garbha-āhārā
rudhira-āhārā
vasa-āhārā
majja-āhārā
jāta-āhārā
jīvita-āhārā
mālya-āhārā
gandha-āhārāḥ
puṣpa-āhārāḥ
phala-āhārās
sasya-āhārāḥ
pāpa-cittā
duṣṭa-cittā
raudra-cittā
yakṣa-grahā
rākṣasa-grahāḥ
preta-grahāḥ
piśāca-grahā
bhūta-grahāḥ
kumbhāṇḍa-grahās
skanda-grahā
unmāda-grahāś
chāyā-grahā
apa-smāra-grahā
ḍāka-ḍākinī-grahā
revatī-grahā
jāmika-grahāś
śakunī-grahā
raudrā-mātṛ-nāndika-grahā
ālambā-grahā
ghatnu-kaṇṭhapaṇinī-grahāḥ
jvarā ekāhikā dvaitīyakās traitīyakāś cāturthakā nitya-jvarā viṣama-jvarā vātikāḥ paittikāś ślaiṣmikās sāṃ-nipātikās sarva-jvarāś śiro’rtīr vārddha-bādha-arocakā
akṣi-rogaṃ
mukha-rogaṃ
hṛd-rogaṃ
gala-grahaṃ
karṇa-śūlaṃ
danta-śūlaṃ
hṛdaya-śūlaṃ
marman-śūlaṃ
pārśva-śūlaṃ
pṛṣṭha-śūlam
udara-śūlaṃ
kaṭi-śūlaṃ
vasti-śūlaṃ
ūru-śūlaṃ
nakha-śūlaṃ
hasta-śūlaṃ
pāda-śūlaṃ
sarva-aṅga-pratyaṅga-śūlaṃ
bhūta-vetāḍa-ḍākinī-jvarā dadrukāḥ kaṇḍūḥ kiṭibhā lūtā vaisarpā loha-liṅgāḥ
śastra-saṃ-gara viṣa-yoga agne udaka māra vaira kāntāra akāla-mṛtyo
try-ambuka trai-lāṭa vṛscika sarpa nakula siṃha vyāghra ṛkṣa tarakṣa mārā jīvīs teṣāṃ sarveṣāṃ
sita-ātapatra-mahā-vajra-uṣṇīṣaṃ mahā-praty-aṅgiraṃ
yāvad-dvādaśa-yojana-abhy-antareṇa sīmā-bandhaṃ karomi vidyā-bandhaṃ karomi tejo-bandhaṃ karomi para-vidyā-bandhaṃ karomi
tadyathā oṃ anale viśade vīra-vajra-dhare bandha bandhani vajra-pāṇiḥ phaṭ hūṃ trūṃ phaṭ svāhā

Này A Nan! Đó là tâm chú “Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát Ra”, là những bài tụng bí mật, những chương cú nhiệm mầu do đức Hóa Phật từ trong hào quang trên đỉnh đầu Như Lai nói ra, có công năng sinh ra tất cả chư Phật mười phương.

Các đức Như Lai trong mười phương nhân nơi tâm chú này mà đắc thành Vô Thượng Chánh Biến Tri Giác.

Các đức Như Lai trong mười phương nắm vững tâm chú này mà hàng phục chúng ma, chế ngự ngoại đạo.

Các đức Như Lai trong mười phương nương nơi tâm chú này mà ngồi tòa sen báu, ứng hiện vào vô số cõi nước.

Các đức Như Lai trong mười phương ngậm tâm chú này mà chuyển đại pháp luân ở vi trần quốc độ.

Các đức Như Lai trong mười phương gìn giữ tâm chú này mà ở khắp mười phương xoa đầu thọ kí, giả sử tự mình quả vị chưa thành, cũng ở nơi mười phương mong nhờ Phật thọ kí.

Các đức Như Lai trong mười phương y nơi tâm chú này mà có thể ở khắp mười phương, cứu vớt mọi thứ khổ cho chúng sinh, như các khổ địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, đui, điếc, ngọng, câm; các khổ oán thù gặp nhau, thương yêu nhau mà phải chia lìa, cầu mong mà không được toại nguyện, năm ấm lẫy lừng; các sự ngang trái lớn nhỏ đều được giải thoát; các khổ nạn như giặc cướp, đao binh, bạo vương, lao ngục, gió bão, hỏa hoạn, nước lụt, đói khát, nghèo cùng, đều bị tiêu tan.

Các đức Như Lai trong mười phương theo tâm chú này mà phụng sự thiện tri thức trong mười phương; trong tất cả các lúc đi, đứng, ngồi, nằm đều được các vật cúng dường như ý; trong pháp hội của hằng sa Như Lai được tôn xưng là bậc Đại Pháp Vương Tử.

Các đức Như Lai trong mười phương hành trì tâm chú này mà nhiếp thọ hộ niệm các hành giả thân cận ở khắp mười phương, dù ở trong hàng tiểu thừa cũng nghe được tạng bí mật mà không kinh sợ nghi hoặc.

Các đức Như Lai trong mười phương tụng tâm chú này mà chứng thành Vô Thượng Giác, ngồi cội Bồ Đề, vào Đại Niết Bàn.

Các đức Như Lai trong mười phương truyền tâm chú này mà sau khi diệt độ, phó chúc Phật Pháp cửu trụ, truyền trì giới luật, thân thể trang nghiêm, tâm ý thanh tịnh.

Thần chú Thủ Lăng Nghiêm này cũng gọi tên là “Như Lai Đảnh”. Về công dụng của nó, nếu Như Lai nói từ sáng đến tối, âm thanh liên tục không ngừng, câu chữ không trùng điệp, như thế trải qua số kiếp như cát sông Hằng, cũng không thể nói cho cùng tận.

Quí thầy hàng hữu học, chưa thoát luân hồi, phát tâm chí thành cầu quả vị A-la-hán, nếu không hành trì thần chú này thì không thể nào ngồi đạo tràng tu tập, khiến cho thân tâm xa lìa ma sự.

Này A Nan! Nếu chúng sinh ở các thế giới, tùy theo sản vật có sẵn ở nước mình, hoặc là vỏ cây bạch-hoa, lá bối, lụa bạch-điệp, hay giấy trắng, dùng những thứ ấy để viết thần chú này, đựng trong túi thơm, thì người ấy, dù tâm trí còn tối tăm, chưa nhớ để tụng, nhưng đeo túi thơm ấy trên mình, hoặc viết thần chú này lên trên vách nhà, trọn đời người này không bị tất cả các thứ độc làm hại.

Này A Nan! Nay Như Lai vì thầy mà tuyên lại thần chú này, để cứu hộ thế gian, khiến cho chúng sinh được tâm đại vô úy, thành tựu trí tuệ xuất thế gian. Sau khi Như Lai diệt độ, ở đời mạt pháp, nếu có người nào đối với thần chú này, hoặc tự mình trì tụng, hoặc dạy người khác trì tụng, thì người ấy, lửa không thể thiêu đốt, nước không thể nhận chìm, tất cả những thứ độc nặng nhẹ đều không thể làm hại; dù cho những loài như trời, rồng, quỉ thần, hay ma mị, muốn dùng ác chú để ám hại cũng không làm gì được. Tâm người đó đã được chánh định thì tất cả bùa chú, trùng độc, thuốc độc, hóa chất độc, cây cỏ độc, côn trùng độc, rắn độc, tất cả muôn thứ độc như thế, khi vào miệng người đó liền trở thành vị cam lồ. Tất cả ác tinh cùng ác quỉ, ác thần, thường ôm tâm độc ác hại người, nhưng đối với người ấy thì không thể khởi niệm ác được. Các quỉ vương ác độc như Tần-na, Dạ-ca, cùng quyến thuộc của chúng, vì từng mong nhờ thâm ân giáo hóa của Phật, nên thường ủng hộ, che chở cho người trì tụng thần chú này.

A Nan! Thầy nên biết, thần chú này thường có tám vạn bốn ngàn na-do-tha hằng-sa câu-chi chủng tộc Bồ-tát Kim-cang-tạng, mỗi mỗi đều có các chúng Kim-cang quyến thuộc, ngày đêm theo hộ vệ. Giả sử có người chưa vào chánh định, trong lúc tâm đang tán loạn mà còn nhớ tụng trì chú này, người đó vẫn được các thần Kim-cang tùy tùng ủng hộ; huống nữa là người đã quyết chí phát tâm bồ đề, thì nhất định được chư vị Bồ-tát Kim-cang-tạng đem tâm tinh thành âm thầm khải phát thần thức, khiến cho người này tức thời nhớ lại tám vạn bốn ngàn hằng sa kiếp, biết khắp mọi việc, không có gì nghi hoặc. Từ kiếp đầu tiên phát tâm cho đến thân sau cùng, đời đời không sinh làm các loài như dược-xoa, la-sát, phú-đan-na, ca-tra-phú-đan-na, cưu-bàn-trà, tì-xá-già, vân vân…, cùng các loài ngạ quỉ có hình hoặc không có hình, có tư tưởng hoặc không có tư tưởng; đó toàn là những nơi xấu ác. Người thiện nam ấy, đối với thần chú này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc sao chép, hoặc đeo, hoặc cất giữ, hoặc dùng nhiều cách để cúng dường, thì kiếp kiếp không sinh vào những chốn khổ đau, những nơi bần cùng hạ tiện. Những người như thế, dù cho chính mình không làm việc phước, nhưng nhờ công đức trì chú này, các đức Như Lai trong mười phương, có bao nhiêu công đức đều cho họ hết. Do đó, trong vô số hằng sa kiếp không thể tính đếm, họ thường được sinh cùng một chỗ với chư Phật, vô lượng công đức nhóm tụ, đồng chỗ huân tu, như chùm trái ác-xoa, vĩnh viễn không phân lìa.

Vì vậy cho nên, thần chú này có thể khiến cho người phá giới mà giới căn vẫn thanh tịnh; người chưa đắc giới khiến cho đắc giới; người chưa tinh tấn khiến cho tinh tấn; người không có trí tuệ khiến được trí tuệ; người không thanh tịnh thì chóng được thanh tịnh; người không trì trai giữ giới thì tự thành trai giới.

Này A Nan! Người thiện nam ấy thọ trì thần chú này, giả sử lúc trước chưa thọ trì mà có phạm cấm giới, thì sau khi đã thọ trì, các cấm giới đã phạm, dù nặng dù nhẹ, nhất thời đều tiêu diệt; giả sử lúc trước đã từng uống rượu, ăn năm loại rau cay hôi, các thứ bất tịnh, bây giờ thọ trì chú này, chư Phật và chư Bồ-tát, thần Kim-cang, trời, tiên, quỉ thần đều không coi đó là lỗi lầm; dù mặc y phục rách nát, không sạch, thì mỗi cử chỉ đi đứng cũng đều trong sạch; dù không lập đàn, không vào đạo tràng, cũng không hành đạo, mà thọ trì chú này, vẫn có công đức giống như người vào đàn hành đạo. Người tạo trọng tội ngũ-nghịch phải đọa địa ngục vô-gián, tì kheo phạm trọng tội tứ-khí, tì kheo ni phạm trọng tội bát-khí, khi tụng trì thần chú này rồi, các nghiệp nặng kia đều bị tiêu trừ hết, giống như trận gió mạnh thổi tan đống cát, không còn sót lại một chút gì.

Này A Nan! Giả sử có chúng sinh từ vô lượng kiếp đã tạo bao nhiêu tội chướng nặng nhẹ mà trong đời trước chưa kịp sám hối, nếu nay được đọc tụng sao chép thần chú này, đeo giữ trên mình, hay để nơi chỗ ở như nhà, trại, vườn, quán, thì bao nhiêu nghiệp tích chứa lâu đời kia đều bị tiêu sạch, như nước sôi làm tan tuyết, chẳng bao lâu sẽ chứng ngộ vô sinh nhẫn.

Lại nữa, này A Nan! Giả sử có người nữ chưa sinh con, nay mong cầu có thai, nếu chí tâm nhớ nghĩ đến thần chú này, hoặc đeo giữ thần chú này trên người, thì sẽ sinh được con trai hoặc con gái có đầy đủ phước đức trí tuệ. Người cầu sống lâu tức được sống lâu; cầu phước báo sẽ chóng được viên mãn; cho đến cầu thân thể kiện khang, hình mạo đoan chánh, sức lực cường tráng, cũng đều được viên mãn. Sau khi mạng chung, tùy theo ý nguyện, sẽ được vãng sinh về các Phật độ trong mười phương; chắc chắn không sinh về những nơi biên địa hạ tiện, huống nữa là các chốn địa ngục, ngạ quỉ, bàng sinh!

Này A Nan! Nếu ở quốc độ nào, mà trong đó, các châu huyện thôn ấp bị nạn đói khát dịch lệ hoành hành, hoặc bị chiến tranh giặc cướp nhiễu hại, nói chung là tất cả các nơi nào bị ách nạn, nếu chép thần chú này treo trên bốn cửa thành, ở những nơi thờ phượng, trên các lá phướn, tất cả dân chúng đều đối trước thần chú cung kính lễ bái, nhất tâm cúng dường; mỗi người đều đeo thần chú trên mình, hoặc treo nơi nhà ở, thì tất cả tai ách đều được tiêu trừ hết.

Này A Nan! Bất cứ nơi chốn nào có thần chú này thì trời rồng hoan hỉ, mưa thuận gió hòa, ngũ cốc sung túc, muôn dân an cư lạc nghiệp. Thần chú này cũng có công năng trấn áp tất cả ác tinh, dù chúng hiện ra các điềm quái dị ở phương nào, cũng không thể khởi lên tai chướng được; dân chúng không bị chết oan, chết yểu, xiềng xích gông cùm không đụng vào thân, giấc ngủ an lành, không có ác mộng.

Này A Nan! Thế giới Ta-bà này có tám vạn bốn ngàn ác tinh tai biến, trong đó có hai mươi tám đại ác tinh đứng hàng đầu; lại có tám đại ác tinh làm chủ toàn thể ác tinh, xuất hiện trong đời bằng nhiều hình trạng, gây nhiều tai họa dị thường cho chúng sinh. Vậy mà, bất cứ nơi chốn nào có thần chú này, tất cả những tai họa ấy đều bị tiêu diệt, trong vòng rộng mười hai do tuần, tất cả các tai ách hung dữ vĩnh viễn không thể xâm nhập.

Vì vậy cho nên Như Lai tuyên dạy thần chú này để bảo hộ những người mới phát tâm tu học ở đời vị lai, được vào chánh định, thân tâm thư thái, vô cùng an ổn, không bị tất cả ma quân quỉ thần và những oan khiên nghiệp họa tích chứa từ lâu đời đến khuấy phá làm hại. Thầy và những vị hữu học trong pháp hội này, cùng những người tu hành ở đời vị lai, hãy y theo cách thức lập đàn tràng Như Lai đã dạy, trì giới đúng như pháp, thỉnh được thanh tịnh tăng chủ trì việc thọ giới, chí thành hành trì tâm chú này, không sinh lòng nghi hối. Những người thiện nam tu trì đúng như thế, mà ngay nơi cái thân cha mẹ sinh ra này, nếu tâm địa không được khai thông, thì những lời dạy của các đức Như Lai trong mười phương đều là vọng ngữ!

Đức Phật dạy những lời ấy rồi, vô lượng trăm ngàn thần Kim-cang trong pháp hội, cùng đứng lên ở trước Phật, chắp tay đảnh lễ, bạch rằng: “Như đức Thế Tôn đã dạy, chúng con sẽ thành tâm bảo hộ những người tu hành để đạt đến chánh định như thế.”

Các vị trời Phạm Vương, Đế Thích và Tứ Vương cũng đồng đảnh lễ đức Phật, bạch rằng: “Nếu thật có những người tu học đúng như vậy, chúng con sẽ tận tâm chí thành bảo hộ họ, khiến cho trong một đời đạt được chí nguyện.”

Lại có vô lượng đại tướng dược-xoa; vua các loài la-sát, phú-đan-na, cưu-bàn-trà, tì-xá-già; các đại quỉ vương như tần-na, dạ-ca, cùng các quỉ soái, cũng ở trước Phật, chắp tay đảnh lễ, bạch rằng: “Chúng con cũng xin nguyện hộ trì những người tu hành ấy, khiến cho họ chóng được viên mãn tâm bồ đề.”

Lại có vô lượng thiên tử nhật, nguyệt, thần mưa, thần mây, thần sấm, thần điện, thần tuần tra các việc thiện ác hằng năm, chư tinh tú và quyến thuộc, cũng đảnh lễ chân Phật, bạch rằng: “Chúng con cũng xin bảo hộ những người tu hành như thế, làm cho đạo tràng được an ổn, không để xảy ra những điều sợ sệt.”

Lại có vô lượng thần núi, thần biển, thổ địa; các thần lội dưới nước, đi trên đất, bay trên không; các thần cây, rừng, cỏ, lúa, vân vân…; thần chủ về gió; chư thiên cõi Vô-sắc, cũng cùng lúc cúi đầu trước đức Phật, bạch rằng: “Chúng con cũng nguyện bảo hộ những người tu hành như thế, cho đến khi thành đạo bồ đề, không bao giờ gặp phải ma sự.”

Lúc bấy giờ, tám vạn bốn ngàn na-do-tha hằng-sa câu-chi Bồ-tát Kim-cang-tạng ở trong pháp hội, đều từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Như bọn chúng con, công nghiệp tu tập đã thành đạo Bồ đề từ lâu, nhưng không nhập niết bàn, mà vẫn thường theo thần chú này để cứu hộ những người chân chánh tu hành pháp chánh định trong đời mạt pháp. Bạch đức Thế Tôn! Những người tu tâm cầu chánh định như thế, dù ngồi ở đạo tràng, hay đi kinh hành ở chỗ khác, cho đến tán tâm dạo chơi nơi xóm làng, thì đồ chúng của chúng con vẫn luôn theo bên cạnh để hộ vệ họ; dù cho Ma vương hay trời Đại Tự Tại muốn tìm cách khuấy phá họ, cũng không thể được; các loại quỉ thần kém cỏi phải tránh xa họ ngoài mười do tuần, trừ phi chúng phát tâm bồ đề, muốn thân cận họ để tu học. Bạch đức Thế Tôn! Những loài ác ma và quyến thuộc của chúng, muốn đến nhiễu hại những người tu hành ấy, chúng con sẽ dùng chày báu đánh chúng nát như tro bụi, khiến cho họ tu hành được thành tựu như nguyện.”

Đại đức A Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, bạch rằng:

– Bọn chúng con ngu độn, chỉ ham nghe nhiều, nhưng cái tâm lậu hoặc thì chưa cầu lìa khỏi. Nay nhờ đức Thế Tôn từ bi dạy dỗ mà được sự huân tu chân chánh, thân tâm thư thái an nhiên, được lợi ích lớn lao.

Bạch đức Thế Tôn! Trên đường tu chứng Chánh Định của chư Phật, trước khi đạt đến Niết Bàn, thế nào gọi là Càn-tuệ-địa? Đối với bốn mươi bốn tâm, thứ lớp đến đâu thì có được đạo-nhãn? Đến cấp bậc nào thì gọi là Bồ-tát Đăng-địa? Và thế nào là Bồ-tát Đẳng-giác?

Đại đức A Nan bạch mấy lời ấy xong, liền gieo năm vóc xuống đất; tất cả đại chúng cũng nhất tâm chiêm ngưỡng và chờ lắng nghe từ âm của Phật.

Lúc bấy giờ, đức Phật khen ngợi đại đức A Nan rằng:

– Lành thay! Lành thay! Thầy đã được sự huân tu chân chánh, lại phát lòng vị tha vì đại chúng và tất cả chúng sinh đời mạt pháp, thỉnh cầu Như Lai chỉ bày con đường tu hành chân chánh tối thượng cho người tu Lăng Nghiêm Chánh Định, từ địa vị phàm-phu cho đến Đại Niết Bàn theo Bồ-tát thừa; bây giờ Như Lai sẽ nói rõ, thầy và đại chúng hãy lắng nghe!

Đại đức A Nan cùng khắp đại chúng đều chắp tay, lắng đọng tâm tư, yên lặng thọ giáo. Đức Phật dạy:

– A Nan! Thầy nên biết, diệu tánh Chân-như vốn tròn đầy sáng chiếu, xa lìa mọi danh tướng, bản lai không từng có thế giới và chúng sinh. Nhân một niệm tối sơ vô minh vọng động mà thấy có sinh, rồi nhân sinh mà thấy có diệt, cho nên cả sinh và diệt đều gọi là vọng; diệt vọng gọi là chân. Đó tức là Vô Thượng Bồ Đề và Đại Niết Bàn, là hai quả chuyển-y của chư Phật vậy.

Này A Nan! Nay thầy muốn tu pháp chân tam-ma-đề để đến thẳng Đại Niết Bàn của chư Phật, thì trước hết phải biết rõ hai nguyên nhân điên đảo về thế giới và chúng sinh. Nếu điên đảo không sinh thì đó là chân tam-ma-đề của chư Phật vậy.

Thế nào là điên đảo về chúng sinh? Này A Nan! Bản tánh của chân tâm vốn tự sáng. Cái bản tánh vốn tự sáng ấy chiếu khắp viên mãn; nhưng bởi một niệm vọng động mà phát sinh ra vọng thức, từ đó mà vọng kiến sinh ra; rốt cuộc, từ chỗ “rốt ráo không” đã trở thành “rốt ráo có”! Cái có và các pháp được cho là có này, nguyên nhân của chúng là không tự thể; cho nên các tướng năng trụ và sở trụ hoàn toàn không có gốc rễ. Chỉ có cái chân tâm vô trụ là cội gốc kiến lập thế giới và chúng sinh. Vì mê muội không nhận ra tánh viên minh vốn sẵn có, nên sinh ra hư vọng. Nhưng tánh hư vọng không có tự thể, không có chỗ nương tựa; cho nên muốn lìa vọng để trở về chân, thì cái chân đó đã trở thành hư vọng, không phải là tánh chân như chân thật. Đối với cái không phải chân mà mong cầu trở về lại, thì tất cả đều hiện thành tướng hư vọng: không phải sinh mà gọi là sinh, không phải trụ mà gọi là trụ, không phải tâm mà gọi là tâm, không phải pháp mà gọi là pháp; vọng vọng xoay vần phát sinh, sinh lực ngày càng phát huy rõ rệt, huân tập thành nghiệp; đồng nghiệp thì cảm nhau. Nhân có nghiệp cảm mà sinh diệt nối tiếp không ngừng. Đó gọi là “điên đảo về chúng sinh”.

Thế nào là điên đảo về thế giới? Này A Nan! Đã cho là có pháp sở hữu thì những khái niệm hư vọng về phần, về đoạn, về giới vức phát sinh; vì thế mà khái niệm “không gian” được thành lập. Do cái nhân không phải là nhân chân thật, nên không có năng trụ và sở trụ, mọi hiện tượng đều trôi chảy dời đổi, không bao giờ đứng yên; vì thế mà khái niệm “thời gian”được thành lập. Bốn phương và ba đời giao hòa tác động lẫn nhau mà biến hóa, hình thành mười hai loài chúng sinh. Cho nên trong thế giới, nhân động mà có tiếng, nhân tiếng có sắc, nhân sắc có mùi, nhân mùi có xúc, nhân xúc có vị, nhân vị biết pháp; sáu vọng tưởng quay lộn rối ren kết thành nghiệp tánh, khu biệt thành mười hai loài, cứ thế mà luân chuyển. Bởi vậy trong thế gian, sáu trần sắc thanh hương vị xúc pháp, biến đổi cùng tột đến mười hai lần là giáp một vòng, bèn xoay trở lại. Dựa theo các tướng điên đảo xoay vần đó mà hữu tình thế giới có các loài noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh; các loài có hình sắc, không hình sắc, có tư tưởng, không tư tưởng; hoặc các loài chẳng phải có hình sắc, chẳng phải không hình sắc, chẳng phải có tư tưởng, chẳng phải không tư tưởng.

Này A Nan! Do vì trong thế giới có tưởng hư vọng luân chuyển, thiên nặng về động, hòa hợp với khí mà thành tám vạn bốn ngàn loạn tưởng, loại bay loại lặn; vì vậy mà có mầm trứng lưu chuyển trong các quốc độ, sinh ra đầy dẫy các loài cá, chim, rùa, rắn, vân vân…

Do vì trong thế giới có tình tạp nhiễm luân chuyển, thiên nặng về dục, hòa hợp với tinh mà thành tám vạn bốn ngàn loạn tưởng, loại đứng thẳng loại nằm ngang; vì vậy mà có bào thailưu chuyển trong các quốc độ, sinh ra đầy dẫy các loài người, súc vật, rồng, tiên, vân vân…

Do vì trong thế giới có tánh chấp trước luân chuyển, thiên nặng về thú hướng, hòa hợp với hơi ấm mà thành tám vạn bốn ngàn loạn tưởng, loại nghiêng loại ngửa; vì vậy mà có giống tế bào thịt mềm ướt lưu chuyển trong các quốc độ, sinh ra đầy dẫy các loài ngo ngoe lúc nhúc cựa quậy.

Do vì trong thế giới có tánh biến dịch luân chuyển, thiên nặng về giả, hòa hợp với xúc mà thành tám vạn bốn ngàn loạn tưởng thay cũ đổi mới; vì vậy mà có giống tế bào thịt cứng lưu chuyển trong các quốc độ, sinh ra đầy dẫy các loài lột vỏ, thoát xác, chuyển bò thành bay, vân vân…

Do vì trong thế giới có tánh chất ngại luân chuyển, thiên nặng về chướng, hòa hợp với hiển trứ mà thành tám vạn bốn ngàn loạn tưởng tinh diệu; vì vậy mà có giống tế bào sắc tướnglưu chuyển trong các quốc độ, sinh ra đầy dẫy các thiện thần, ác thần, tinh hoa của trời trăng, vẻ sáng rực rỡ của tinh tú, hoặc lửa nơi đom đóm, ngọc trai nơi động vật, vân vân…

Do vì trong thế giới có tánh tiêu tán luân chuyển, thiên nặng về hoặc, hòa hợp với ám độnmà thành tám vạn bốn ngàn loạn tưởng thầm ẩn; vì vậy mà có giống tế bào vô sắc lưu chuyển trong các quốc độ, sinh ra đầy dẫy các loài trời Không xứ, Thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi phi tưởng xứ, cùng các loại thần hư không, thần gió, thần hạn hán, vân vân…

Do vì trong thế giới có ảo tượng luân chuyển, thiên nặng về ảnh tượng, hòa hợp với nhớ tưởng mà thành tám vạn bốn ngàn loạn tưởng tiềm kết; vì vậy mà có giống tế bào hữu tưởng lưu chuyển trong các quốc độ, sinh ra đầy dẫy các loài thần, quỉ, tinh linh.

Do vì trong thế giới có tánh ngu độn luân chuyển, thiên nặng về si, hòa hợp với ương ngạnh mà thành tám vạn bốn ngàn loạn tưởng khô cằn; vì vậy mà có giống tế bào vô tưởnglưu chuyển trong các quốc độ, tinh thần hóa thành đầy dẫy các loại đất, cây, vàng, đá, vân vân…

Do vì trong thế giới có tánh đối đãi nhau luân chuyển, thiên nặng về giả ngụy, hòa hợp với đắm nhiễm mà thành tám vạn bốn ngàn loạn tưởng nuơng y; vì vậy mà có giống tế bào không phải hữu sắc mà thành hữu sắc lưu chuyển trong các quốc độ, sinh ra đầy dẫy các loài như sứa ở dưới biển, lấy bọt nước làm thân, nhờ tôm làm mắt, vân vân…

Do vì trong thế giới có tánh hấp dẫn nhau luân chuyển, thiên nặng về tánh, hòa hợp với chú thuật mà thành tám vạn bốn ngàn loạn tưởng hú gọi; vì vậy mà có giống tế bào không phải vô sắc mà thành vô sắc lưu chuyển trong các quốc độ, sinh ra đầy dẫy các loại bùa chú trù ếm.

Do vì trong thế giới có tánh hợp vọng luân chuyển, thiên nặng về hôn muội, hòa hợp với dị loại mà thành tám vạn bốn ngàn loạn tưởng tráo trở; vì vậy mà có giống tế bào không phải có tưởng mà thành có tưởng lưu chuyển trong các quốc độ, sinh ra đầy dẫy những loài như tò vò, mượn chất khác làm thành thân mình.

Do vì trong thế giới có tánh kết oán mưu hại luân chuyển, thiên nặng về sát, hòa hợp với quái dị mà thành tám vạn bốn ngàn loạn tưởng ăn thịt cha mẹ; vì vậy mà có giống tế bào không phải vô tưởng mà thành vô tưởng lưu chuyển trong các quốc độ, sinh ra đầy dẫy những loài như chim cú ấp đất cục làm con, hay chim phá-kính ấp trái cây độc làm con, con lớn lên trở lại ăn thịt cha mẹ.

Đó là mười hai loài chúng sinh.